“Ý tưởng phát triển đô thị vệ tinh của Hà Nội khó thành hiện thực”

“Các nước phát triển họ cũng đều có dày đặc nhà cao tầng ở trung tâm vì đó là xu hướng của đô thị hiện đại. Thử hỏi nếu chúng ta cho xây 3 nhà 5 tầng tốt hơn hay 1 nhà 20 tầng tốt hơn. Trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt trước đây cũng khẳng định, nhà cao tầng sẽ chiếm đến 80% tại các đô thị lớn”.

Đó là ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tại một hội thảo về phát triển thị trường bất động sản và việc tạo lập không gian sống ở Hà Nội, do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội và báo Kinh tế và Đô thị tổ chức cuối tuần qua.

Tại hội thảo trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) đã nêu ra một số hạn chế, bất cập trong các quy định của Chính phủ cũng như của Hà Nội, đã phần nào tác động bất lợi đến thị trường bất động sản cũng như môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Dẫn một nội dung trong Quy hoạch chung Thủ đô, ông Nam thẳng thắn cho rằng “tôi nghi ngờ về việc phát triển các đô thị vệ tinh”.

Theo ông, ý tưởng phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội khó thành hiện thực, bởi muốn người dân chuyển ra đó sinh sống thì hạ tầng phải được đầu tư đồng bộ từ trước. Tuy nhiên, thực tế thị hạ tầng ở khu trung tâm Hà Nội hiện nay còn thiếu, nói gì đến các khu ngoại thành.

“Hà Nội nên phát triển theo hướng “vết dầu loang”, tức là phát triển, đầu tư hạ tầng, tiện ích từ khu trung tâm rồi dần dần phát triển ra bên ngoài, chứ nếu nói đầu tư, xây dựng ngay 5-6 đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội thì khó lắm vì đầu tư hạ tầng rất tốn kém”, ông Nam nói.

Một bất cập khác trong chính sách, quy định của Chính phủ đối với quy hoạch Hà Nội là việc “hạn chế phát triển nhà cao tầng khu trung tâm nội đô”. Ông Nam khẳng định hoàn toàn không tán thành, bởi nó đi ngược với xu hướng phát triển chung của thế giới.

“Chúng ta lo sợ xây nhà cao tầng sẽ dẫn tới dân số đông. Tôi nói thẳng là quản lý mật độ dân cư phải tìm cách khác chứ không thể khống chế bằng nhà cao tầng được. Các nước như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ họ rất nhiều nhà cao tầng khu trung tâm nhưng họ quản lý rất tốt”, ông Nam nói.

Một bất cập tiếp theo của Hà Nội mà ông Nam dẫn ra đó là việc “rào kín và thu tiền người dân khi vào công viên”.

Ông Nam cho hay, Hà Nội hiện nay gần như là địa phương duy nhất rào cổng và bán vé thu tiền người dân khi vào công viên, trong khi đây là là công trình công cộng, phục vụ người dân nghỉ ngơi, thể dục thể thao….

Ông Cho biết, tất cả các công viên tại Tp.HCM, Đà Nẵng…họ bỏ hết hàng rào từ nhiều năm nay, trong khi Hà Nội vẫn quây kín hàng rào bán vé thu tiền. “Tôi chả hiểu tiền bán vé có đủ trả lương cho nhân viên hay không nói gì đến tu bổ, tôn tạo…”.

Ngoài ra, ông Nam cũng nêu lên tình trạng chiếm giữ đất công một cách lãng phí của các công trình, công sở ở khu trung tâm.

“Có nhiều phòng tranh cổ động ngay khu bờ hồ rộng thênh thang cứ để đấy chỉ treo mấy bức tranh cổ động, cả năm chả ai vào. Rồi nhiều công sở, cơ quan của Hà Nội vẫn cứ bám trụ quanh bờ hồ, trung tâm. “Tôi cho rằng, công sở thì ở đâu chả được, phải chuyển hết ra ngoài trung tâm, đất khu nội đô chỉ dành cho mục đích thương mại thôi”, Chủ tịch VNREA nêu quan điểm.

Trong phần cuối bài phát biểu của mình, ông Nam cũng nêu ra một số tồn tại của việc quản lý đô thị Hà Nội như chiếu sáng đô thị, đường phố “quá tiết kiệm”; xây dựng, chỉnh trang vỉa hè quá nhiều bất cập, thiếu tính chiến lược…

Hà Nội sẽ đẩy mạnh đô thị hoá ở 5 đô thị vệ tinh

Bài viết mới