Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đang đứng trước nguy cơ bị Thâm Quyến, nơi đã hóa thân từ 1 làng chài nghèo khó thành thành phố sầm uất như ngày nay, vượt mặt trên khía cạnh quy mô nền kinh tế.
Theo 1 nghiên cứu được thực hiện bởi Michael Parker, trưởng bộ phận chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Stanford C. Bernstein, chỉ cần đến năm 2018 quy mô kinh tế Thâm Quyến sẽ đạt 350 tỷ USD, vượt qua mức GDP dự báo 345 tỷ USD mà tổ chức này dành cho Hồng Kông.
Từng được coi là “thiên đường sao chép”, là công xưởng sản xuất toàn cầu với những mặt hàng có giá trị thấp, từ đầu những năm 2000 Thâm Quyến đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng có giá trị lớn hơn và đến nay đã có nhiều sáng tạo để đạt được những bước tiến lớn trên chuỗi giá trị. Từ chỗ chỉ sản xuất được những mặt hàng đại trà như đồ chơi bằng nhựa hay áo phông đơn giản, Thâm Quyến giờ là 1 trung tâm công nghệ thông tin với những ông lớn như Tencent, ZTE và Huawei. Đây là bước nhảy mà Hồng Kông vẫn chưa đạt được.
Tuy nhiên, so với Hồng Kông thì Thâm Quyến vẫn bị bỏ xa ở 1 lĩnh vực: tài chính. Cho đến nay Hồng Kông vẫn là trung tâm tài chính châu Á, là cửa ngõ để các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường trái phiếu đại lục.
Parker cũng nhấn mạnh không nên lầm tưởng Thâm Quyến vượt qua Hồng Kông là 1 điều không tốt đối với “xứ Cảng Thơm”, bởi hai thành phố này hoạt động theo 2 mô hình rất khác nhau. Hồng Kông vẫn đang tiếp tục hưởng lợi từ vị trí địa lý cửa ngõ của mình, trong khi kinh tế Thâm Quyến được thúc đẩy bởi “sự trưởng thành của lĩnh vực dịch vụ và công nghệ” ở Trung Quốc.
Dự báo GDP 2018 của Thâm Quyến và Hồng Kông. Nguồn: Bloomberg.
Sau gần 40 năm, dân số của Thâm Quyến đã tăng vọt từ 30.000 lên hơn 11 triệu người. Kể từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng GDP hàng năm đạt trung bình gần 10%. Trong khi đó dân số Hồng Kông hiện đạt 7,39 triệu người và trong 7 năm qua chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%. Kinh tế Hồng Kông đang gặp khó vì ngành du lịch suy giảm sau các cuộc biểu tình năm 2014 và và cũng bị hạn chế bởi thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Theo dự báo của Bloomberg, trong 2 năm tới kinh tế Hồng Kông sẽ tăng trưởng dưới 3%.
Điểm khác biệt giữa hai thành phố cảng của vùng đồng bằng Châu Giang cũng thể hiện những thách thức mà Trung Quốc đang gặp phải trong việc nhân bản các cơ sở hạ tầng tài chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, dù kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hơn 6% và đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Stephen Innes, chuyên gia tại Oanda Corp, ví von Hồng Kông là 1 trung tâm tài chính cửa ngõ mà Trung Quốc không bao giờ muốn từ bỏ. Hồng Kông cũng giống như London sau sự kiện Brexit: thành phố này vẫn là trung tâm tài chính dù vị thế của nó đã ít nhiều thay đổi.
Trong khi đó Dong Chen, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Pictet Wealth Management, cho rằng chìa khóa cho tương lai của Hồng Kông vẫn sẽ là vai trò cầu nối đem các nhà đầu tư quốc tế đến với các cơ hội ở Trung Quốc. Khi các chủ doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động ở Thâm Quyến, họ sẽ phải dùng đến các dịch vụ tài chính của Hồng Kông.
Vì chủ yếu lao động Hồng Kông làm việc trong các lĩnh vực tư vấn luật pháp và ngân hàng đầu tư, GDP bình quân đầu người của Hồng Kông vẫn cao hơn khoảng 60% so với Thâm Quyến. GDP bình quân đầu người của Hồng Kông đạt 44.000 USD năm 2016, so với mức 25.000 USD của Thâm Quyến.
Theo Chen, sự trỗi dậy của Thâm Quyến nhìn chung sẽ đem lại lợi ích cho Hồng Kông. “Hồng Kông giống như 1 hình mẫu về thị trường tự do mà nhiều thành phố ven biển của Trung Quốc (trong đó có Thâm Quyến) nên học hỏi. Và Thâm Quyến đã học rất tốt”.