Xuất khẩu tôm tăng mạnh

Xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng 63,2% tổng xuất khẩu tôm Việt Nam, tôm sú đứng thứ hai với 25,6% và tôm biển với 11,2%. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu tôm chân trắng và tôm biển tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm so với cùng kỳ năm 2016.

Trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016 đạt 1,2 tỷ USD trong khi xuất khẩu các sản phẩm tôm sú giảm 5% đạt 493,8 triệu USD.

Nhật Bản vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam thay thế cho Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 383,8 triệu USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2016. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trong đó có tôm của Nhật Bản từ năm 2016 đến nay liên tục tăng.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của tôm Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng 20,5% trong nhập khẩu tôm từ Việt Nam tính tới tháng 7 năm nay. Giá trị xuất khẩu tôm sang EU trong giai đoạn này đạt 380,6 triệu USD. Trong số 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của khối, xuất khẩu tôm sang Anh và Hà Lan tăng lần lượt 49,4% và 32,7% xuất khẩu sang Đức giảm 13,8%.

Trung Quốc đứng thứ 3 về nhập khẩu tôm Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng tốt nhất 39,8% trong top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong tháng 7 đạt mức tăng trưởng 3 con số 106,3%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 348,4 triệu USD.

Sản lượng thu hoạch tôm của Trung Quốc đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây trong khi nhu cầu nhập khẩu để tiêu thụ trong nước và chế biến tái XK sang các nước khác ngày càng tăng khiến Trung Quốc là thị trường tiềm năng của các DN xuất khẩu Việt Nam.

Mỹ từ vị trí số 1 tụt xuống vị trí thứ 4 về nhập khẩu tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm sang thị trường này 7 tháng đầu năm đạt 344,7 triệu USD, giảm 5,5%.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ nửa đầu năm nay có chiều hướng đi xuống do tác động việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế chống bán phá giá trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 11 (POR11), đồng USD sụt giá do tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump.

Vasep nhận định, 7 tháng đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các thị trường châu Á. Tăng trưởng giá trị xuất khẩu tôm tại các thị trường này 7 tháng đầu năm sẽ giúp tạo đà tăng trưởng cho xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm.

Kiểm soát an toàn dịch bệnh với tôm xuất khẩu sang Úc

Bài viết mới