Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Tính tới hết tháng 10, tổng giá trị kim ngạch XK mặt hàng rau quả của ước đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng tới 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, bình quân mỗi ngày mặt hàng rau quả mang về gần 9,5 triệu USD, tương đương số tiền gần 200 tỷ đồng.
Với kết quả trên, mặt hàng rau quả tiếp tục duy trì vị thế thứ 3 trong số các mặt hàng nông, thủy sản XK của Việt Nam (sau thủy sản và hạt điều). Hiện, thị trường lớn nhất của rau quả việt nam vẫn là Trung Quốc.
Về mặt NK, 10 tháng đầu năm, NK rau quả ước đạt trên 1,25 triệu USD, tăng 70,8% so với cùng kỳ 2016 (732,206 USD). Như vậy, tính tới hết tháng 10, rau quả đã xuất siêu trên 1,58 triệu USD.
TS. Nguyễn Hữu Đạt cho rằng: Hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện để thúc đẩy XK rau quả. Cụ thể như, khu vực phía nam hiện có lực lượng DN trẻ thông minh, linh hoạt, xông xáo và đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy xử lý chiếu xạ, hơi nước nóng, hệ thống nhà lưới trồng rau gia vi, nhiều nhà máy chế biến đóng hộp được đầu tư, xây dựng, hoạt động kinh doanh hiệu quả, đáp ứng chuẩn kỹ thuật của các nước NK khó tính.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị chu đáo của những cơ quan chức năng từ những năm 2004 về việc mở cửa thêm nhiều thị trường khó tính. Nhờ vậy, đến năm 2008, Việt Nam lần đầu tiên mở cửa được thị trường Hoa Kỳ với quả thạnh long. Đến nay, Việt Nam đã XK được 6 loại quả sang 6 thị trường khó tính.
Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, sản xuất rau quả thời gian tới phải có sự cải thiện tốt hơn nữa về chất lượng sản phẩm, nghĩa là phải đồng nhất, ổn định, có quanh năm, truy nguyên được nguồn gốc và đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây được xem như mấu chốt của vấn đề, cái khó phải vượt qua. Giải quyết được điều này, ngành rau quả Việt Nam sẽ có tên tuổi, thương hiệu, phát triển bền vững.