Xuất khẩu nửa đầu năm: Tiến “băng băng”, khả quan về đích

Kỳ tích

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,43 tỷ USD, tăng 17,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 66,66 tỷ USD, tăng 15%, chiếm 71,6% tổng kim ngạch XK (giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2017).

Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 của Quốc hội, mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% – 6,7%; tổng kim ngạch XK tăng 7% – 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% – 34% GDP… Trước đó, trong năm 2017, tổng kim ngạch XNK đạt 425 tỷ USD, tăng 18,32% so với năm 2016. Trong đó, XK ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Thị trường XK tiếp tục được duy trì và mở rộng với trên 200 đối tác thương mại với 29 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Không có nhiều thay đổi so với nhiều năm qua và mới nhất là quý đầu năm nay, tính tới hết tháng 5, các nhóm hàng chủ lực góp sức tạo nên “bức tranh” XK nhiều gam màu tươi sáng vẫn gồm những cái tên quen thuộc như: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; dệt may; gia giày, gỗ và sản phẩm gỗ… Toàn bộ giá trị XK các mặt hàng chủ lực này đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Nói tới mặt hàng XK 5 tháng đầu năm, điểm đáng chú ý là, các mặt hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng rất khả quan, đóng góp tích cực vào tăng trưởng XK hàng hóa nói chung. Điển hình có thể kể đến như: Thủy sản XK đạt 3,1 tỷ USD, tăng 11,1%; rau quả đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,6%; gạo đạt 1,6 tỷ USD, tăng 51,1% …

Xét trên tổng thể cán cân thương mại hàng hóa, 4 tháng đầu năm liên tiếp, Việt Nam đều xuất siêu. Dù tháng 5, ước tính nhập siêu 500 triệu USD, song tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 3,39 tỷ USD. Đáng chú ý, mức tăng trưởng XK 5 tháng đầu năm nay không chỉ cao so với xu hướng chung mà còn cao so với các nước trong khu vực và so với các chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra. XK cao trong bối cảnh cán cân thương mại xuất siêu lại càng tích cực.

Còn theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), kết quả xuất siêu Việt Nam đạt được thời gian qua, đặc biệt những tháng đầu năm nay có thể coi là kỳ tích. XK trong những năm gần đây được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế, ngày càng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, XK đã được mở rộng ở những thị trường xa như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Chênh lệch về kim ngạch XK giữa các thị trường truyền thống và thị trường mới không quá lớn. Điều đó giúp Việt Nam không bị quá phụ thuộc vào một khu vực nào. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa XK cũng có sự thay đổi tích cực với những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, như: Máy tính, điện thoại,…

“Nhiều mặt hàng trước đây không nghĩ có thể có kim ngạch XK tăng trưởng nhanh, nhất là nhóm hàng nông sản, nay xuất hiện ngày càng nhiều”, chuyên gia Phạm Tất Thắng nói.

Dự báo tăng trưởng XK trên 20%

Chuyên gia Phạm Tất Thắng đưa ra dự báo, cả năm nay, XK có thể đạt con số tăng trưởng trên 20% so với năm trước, song muốn đạt được đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn.

Một số chuyên gia phân tích, Việt Nam là nước theo đuổi đường lối chiến lược định hướng XK, xem XK là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra là 6,7%. Với tăng trưởng XK cao ngay từ đầu năm, 5 tháng đầu năm đã xuất siêu trên 3 tỷ USD thì cả năm nay tin rằng XK sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt con số tăng trưởng nêu trên.

Nhìn tổng thể triển vọng XK năm 2018 khá tích cực, song khi “mổ xẻ” kỹ lưỡng, PGS. TS Phạm Tất Thắng cho rằng, tình hình XK của Việt Nam vẫn còn không ít nhược điểm cần khắc phục. Điển hình như, dù xuất siêu sang các thị trường “khó tính” như Hoa Kỳ, Nhật Bản…, song Việt Nam lại nhập siêu ở những thị trường gần hoặc có trình độ phát triển không cao. Ngoài ra, xuất siêu chủ yếu ở khối DN FDI, còn DN có 100% vốn trong nước lại nhập siêu. Điều này cho thấy, DN nội còn yếu kém. “Về mặt cơ cấu hàng XK, nhiều mặt hàng XK điển hình là nông sản, dệt may, da giày… dù có giá trị XK cao nhưng giá trị gia tăng không lớn. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản vẫn chủ yếu XK dưới dạng thô thay vì chế biến sâu”, TS Phạm Tất Thắng nói.

Để duy trì đà tăng trưởng cũng như đảm bảo xuất siêu bền vững, TS Phạm Tất Thắng cho rằng, thời gian tới, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp để tạo ra hàng hóa XK có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để kêu gọi đầu tư, NK công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Việt Nam cần có chính sách thích hợp với biến động của thị trường

Trên thực tế, xuất siêu của Việt Nam chủ yếu là do DN đầu tư nước ngoài đóng góp. Điều đáng chú ý là, dù DN FDI xuất siêu, song những giá trị gia tăng tạo ra, lợi ích thực sự mà kinh tế Việt Nam có được không cao. Thời gian tới, các DN nội địa cần nỗ lực hơn nhiều để tăng giá trị gia tăng, tăng hiệu quả trong XK, dù điều này không hề đơn giản.

Dự báo, thời gian tới, XK điện thoại di động của Samsung cũng như XK nông, lâm sản vẫn tiếp tục tiến triển tốt. Tuy nhiên, thị trường thế giới đang có những biến động đáng kể. Điển hình như, nguy cơ sức ép từ thị trường Hoa Kỳ với nhôm thép và thủy sản Việt Nam tăng cao. Việt Nam cần cố gắng để tìm kiếm các thị trường mới và có chính sách thích hợp đối với các biến động trên thị trường thế giới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương: Nỗ lực tận dụng tốt nhất cơ hội XK từ các FTA

Để thúc đẩy XK, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng động DN về các FTA để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn DN trong quá trình đàm phán ký kết/sửa đổi, nâng cấp các FTA. Ngoài ra, giải pháp còn là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng XK, tạo nguồn hàng XK theo hướng bám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa để tận dụng được cơ hội ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường mà các FTA mang lại; tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các FTA đối với từng ngành để điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp, xử lý nhanh nhạy, thông tin kịp thời đến cộng đồng DN các vấn đề cấp bách nảy sinh trong quá trình thực thi các cam kết…

Riêng với nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ hiện bị áp các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại; nghiên cứu việc liên kết với Ecuador, Ấn Độ trong đấu tranh cho vấn đề này…

Đức Quang (ghi)

Bài viết mới