Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông, Châu Phi còn quá nhiều rào cản

Sáng ngày 5/7, tại buổi Hội thảo Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi do Bộ Ngoại giao tổ chức, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu hàng nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông – Châu Phi đã có nhiều khởi sắc.

“Trung Đông – Châu Phi đang là vùng đất đầy tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam. Đây cũng là một trong những hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường truyền thống ngày một bão hòa”, ông Hưng chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đầy triển vọng trong hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao). Việc thanh toán còn được thực hiện bằng TTR, đặt cọc 10% số còn lại trả nốt khi có chứng từ. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chấp thuận.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam và châu Phi chưa thiết lập quan hệ đại lý nên dẫn đến việc doanh nghiệp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, chuyển tiền, làm phát sinh chi phí do phải thông qua ngân hàng quốc tế. Đối với một số nước Trung Đông cũng có khó khăn trong khâu thanh toán, ví dụ như Iran, đặc biệt trong bối cảnh Iran đang bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt mới.

Doanh nghiệp hai bên thường xuyên thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau. Hiện tại, Việt Nam chỉ có 9 Đại sứ quán và 5 Thương vụ tại châu Phi nên khả năng giới thiệu, thẩm tra đối tác, xin visa… nhất là ở những nước khác gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tránh rủi ro, doanh nghiệp Việt Nam thường chọn xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.

Đối với vấn đề SPS, hiện nay các nước ngày càng chú trọng đến vấn đề SPS, tiêu biểu như vụ việc Saudi vào tháng 01/2018 đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam do nhiễm dịch bệnh; Kuwait vào tháng 05/2018 thông báo tạm ngừng thông quan một số mặt hàng tôm tươi, làm lạnh, đông lạnh, đã qua xử lý có xuất xứ từ Việt Nam do nhiễm dịch bệnh. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hơn nữa chất lượng từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến để đáp ứng được yêu cầu từ phía nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn từ sự cạnh tranh của các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.

Khu vực Trung Đông – Châu Phi chủ yếu nhập khẩu gạo đồ, gạo trắng chất lượng cao và gạo basmati, gạo Việt Nam nhìn chung có chất lượng thấp, chưa có thương hiệu dẫn đến giá xuất khẩu cũng thấp hơn gạo của Thái Lan. Việc chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thương hiệu đã làm giảm đáng kể giá trị và uy tín của gạo Việt Nam.

Mặt khác, phương thức xuất khẩu gạo của Việt Nam chưa đáp ứng được tập quán tiêu dùng của các nước Trung Đông về đóng gói, phân phối, thị hiếu, tiêu chuẩn Halal và chất lượng gạo theo yêu cầu người dân.

Trước những khó khăn và thách thức cho xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Đông – Châu Phi, ông Hưng đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường này như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động xuất nhập khẩu nông, thủy sản của các doanh nghiệp.

Tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp/UBLCP giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông – Châu Phi. Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, đi khảo sát các thị trường, tìm kiếm đối tác ở thị trường Trung Đông – Châu Phi; đầu tư quảng bá thương hiệu nông, thủy sản của Việt Nam tại các nước trong khu vực; khuyến khích doanh nghiệp chú trọng vấn đề thương hiệu và tương quan chất lượng, giá cả.

Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế hợp tác giữa Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các Thương vụ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông – Châu Phi.

Cuối cùng, thông tin có vai trò to lớn trong việc xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư. “Thực tế là hiện nay thông tin hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – Châu Phi còn những hạn chế nhất định. Do đó, Việt Nam và các nước Trung Đông – Châu Phi cần quan tâm phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường”, ông Hưng kết luận.

Việt Nam tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ nhập khẩu

Bài viết mới