Từ con số kỷ lục…
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, với đa số đại biểu tán thành, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 được Quốc hội chính thức thông qua. Nghị quyết đã đề ra 12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội phấn đấu đạt năm 2018, trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5-6,7%, tổng kim ngạch XK tăng 7-8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch XK dưới 3%.
Nhìn lại một năm trước năm 2016 hoạt động thương mại hụt hẫng khi XK – một trong những động lực chính giúp GDP tăng trưởng – không đạt như kỳ vọng. XK thất hẹn với mục tiêu tăng trưởng 10% mà Chính phủ đặt ra bởi khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng khiến nhiều ngành hàng trọng điểm của Việt Nam cũng rơi vào thế khó, đơn hàng giảm sút… Chính vì thế, mục tiêu tăng trưởng XK của năm 2017 được đặt ra thận trọng hơn, chỉ 6-7%, tức khoảng 188 tỷ USD.
Thật bất ngờ và trái ngược với dự báo, hoạt động thương mại trong năm 2017 lại là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng XK đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, trong khi đó NK được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn, theo đánh giá của Bộ Công Thương.
Lần giở lại quá trình XK năm 2017 có thể thấy, tháng 1 và tháng 2 kim ngạch XK của cả nước có tăng so với cùng kỳ nhưng cũng chỉ xoay quanh mức 13-14 tỷ USD. Đây là việc dễ hiểu bởi thời gian này rơi vào dịp tết Nguyên đán nên nhịp sản xuất của DN cũng chùng xuống. Tuy nhiên, XK của Việt Nam bắt đầu bứt phá từ tháng 3 trở đi với những con số đáng ngạc nhiên.
Liên tiếp trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 7), kim ngạch XK đứng vững ở mốc 17 tỷ USD có lẻ, với tốc độ tăng trung bình trên 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lúc ấy, nhìn vào con số XK 6 tháng đầu năm 2017, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) bình luận, XK tăng trên 18%- đây là mức tăng cao so cùng kỳ của năm 2016 (tăng 5,9%) do tăng được cả về giá (chủ yếu là nhóm nhiên liệu và nông sản) và về lượng (nhóm công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản) và tăng cao qua các tháng.
Không dừng ở đó, XK tiếp tục “lập đỉnh” mới với 19,8 tỷ USD của tháng 8 và tịnh tiến lên 20,3 tỷ USD vào tháng 10. Trong tháng 11, XK dù có giảm nhẹ nhưng vẫn bám sát mốc 20 tỷ USD (đạt 19,99 tỷ USD), tăng 21,5% so với cùng kỳ- mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, kéo tổng kim ngạch XK của cả nước đạt 194,47 tỷ USD. Với kết quả này, kế hoạch XK năm 2017 Quốc hội giao đã được Chính phủ chỉ đạo thực hiện thành công, sớm trước thời hạn 1 tháng. Đặc biệt, XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, với kim ngạch ước đạt 212 tỷ USD.
… đến những ngành dẫn đầu
Đồng hành cùng những con số ấn tượng trên là sự góp mặt của không ít ngành hàng, từ công nghiệp chế biến cho đến các mặt hàng Việt Nam có lợi thế riêng có là nông, thủy sản. Đóng góp lớn nhất cho kim ngạch XK vẫn là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện. Nếu những năm trước, khi nói đến quán quân trong XK thì người ta nghĩ ngay đến dệt may, nhưng từ năm 2013 trở lại đây, vị trí ấy đã thuộc về nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với mức tăng trưởng cao trên 30%. Cá biệt, chỉ riêng trong tháng 10/2017, kim ngạch XK nhóm mặt hàng điện thoại và linh kiện đã ước đạt 5 tỷ USD, tăng đến 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là một trong những tháng có kim ngạch XK cao nhất của mặt hàng này từ trước đến nay của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng cao, kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện năm 2017 ước đạt trên 45 tỷ USD, tăng hơn 30%, chiếm tới 21% tổng kim ngạch XK.
Theo sau điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng dệt may đã về đích với 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016, sau khi lỡ hẹn với mục tiêu XK 30 tỷ USD vào năm 2016. Thị trường XK chính vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản… nhưng XK dệt may trong năm 2017 có nhiều thuận lợi về thị trường, đơn hàng, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết bước vào giai đoạn thực thi tạo đòn bẩy cho XK dệt may sang nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn.
Bên cạnh điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến khác như đồ gỗ, da giày cũng tăng trưởng đáng kể, đúng như dự đoán của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “XK những tháng cuối năm sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn bắt đầu chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ…”.
Tuy nhiên sẽ là thiếu sót nếu không kể đến sự đóng góp của nhóm hàng nông, thủy sản vào thành tích XK chung khi nhóm này chiếm tới hơn 12% tổng kim ngạch XK. Mảng sáng trong nhóm hàng nông, thủy sản phải kể đến mặt hàng thủy sản, cà phê, rau quả, cao su…, đặc biệt là gạo. Nếu năm 2016, gạo rớt giá thê thảm khiến các cơ quan chức năng liên tiếp hạ mục tiêu thì năm nay XK mặt hàng này tăng khá mạnh, gần 25% trị giá và 24,1% về lương so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 6 triệu tấn, tăng 1,1 – 1,2 triệu tấn gạo so với năm 2016. Gạo Việt Nam đã XK tới 132 thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất.
Riêng mặt hàng rau quả – giống như một hiện tượng của Việt Nam, đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi chỉ trong 11 tháng năm 2017 đã vượt cả kim ngạch XK cả năm 2016, ở mức 3,16 tỷ USD tăng 43,2% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, XK rau quả năm nay sẽ lập kỷ lục mới, vượt qua mốc 3,6 tỷ USD và theo dự báo, đến năm 2030, kim ngạch XK rau quả của Việt Nam sẽ gấp gần 2 lần hiện nay, đạt 7 tỷ USD.
Tổng hòa nhiều yếu tố
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch NK giảm dần do những tháng đầu năm, nhiều tập đoàn, DN lớn đẩy mạnh NK thiết bị phục vụ các dự án lớn cho nên đã giảm áp lực lên những tháng cuối năm. Với kim ngạch NK ước đạt 209-210 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2017 đã lập đỉnh mới, cán mốc 400 tỷ USD và có thặng dư khoảng 3 tỷ USD.
Có thể nói, hoạt động XK của Việt Nam có những bước tiến nhanh, vững chắc nhờ vào sự cải thiện rõ rệt ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. XK không còn phụ thuộc vào số ít các mặt hàng là tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu thô, than đá… như những năm đầu hội nhập. Đáng chú ý, sự tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp chế biến đã đi đúng chủ trương giảm XK nguyên liệu thô, tập trung cho công nghiệp chế biến để tăng thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa của Chính phủ.
Để có được những thành tích nêu trên, ngoài yếu tố thuận lợi như thương mại thế giới đã tăng trưởng trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XK như mặt bằng giá có xu hướng tăng trên thị trường thế giới, kể cả đối với nhóm hàng nguyên liệu cũng như hàng chế biến, đơn hàng dồi dào hơn… thì còn có rất nhiều yếu tố khác. Không chỉ tham gia, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do song phương tạo nên một thị trường rộng lớn, đa dạng cho DN, Chính phủ, các bộ, ngành còn tích cực đẩy nhanh cải cách hành chính, đơn giản hóa nhiều thủ tục, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN. Nỗ lực cải cách của Bộ Công Thương góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực XNK.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tăng cường thông tin thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường, nhất là hàng nông, thủy sản; đổi mới về công tác xúc tiến thương mại theo hướng không chỉ dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước mà còn đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xúc tiến thương mại ở bên ngoài cùng tham gia. Bản thân các DN cũng tích cực, chủ động tiến hành nhiều chương trình xúc tiến thương mại và đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên sức cạnh tranh của hàng hóa được nâng lên. Ông Trần Thanh Hải còn cho biết thêm: “Trong xu thế bảo hộ hiện nay, nhiều quốc gia đang gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với tất cả các sản phẩm của Việt Nam. Việc hỗ trợ cho DN trong nước vượt qua những hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc đánh giá sự phù hợp cũng rất là quan trọng để giúp cho việc XK hàng hóa có thể tăng lên”.
Sự tổng hòa các giải pháp này đã làm nên một bức tranh XK đẹp để từ đó chúng ta tiếp tục đặt hy vọng cho năm 2018.