Câu hỏi lớn lúc này là phiên giảm điểm cuối tuần qua chỉ là do hoạt động chốt lời bình thường, hay thị trường đã thực sự đạt đỉnh. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn cho rằng đó chỉ là phiên điều chỉnh kỹ thuật bình thường sau chuỗi ngày tăng liên tiếp.
Rung lắc ở giai đoạn hiện tại được xem là bình thường và các phiên biến động mạnh có thể diễn ra thường xuyên hơn. Với tốc độ tăng trưởng nhanh thì việc thị trường tụt giảm mạnh ngay lập tức khó xảy ra, ít nhất thị trường cũng cần trải qua quá trình phân phối nhất định.
Điểm tích cực được các chuyên gia chỉ ra là dòng tiền vào thị trường rất mạnh và có sự lan tỏa tốt. Đây là thời điểm thị trường tiến tới vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 900 điểm. Tuy nhiên dư địa tăng của Vn-Index có thể vẫn còn với đích đến kế tiếp nằm tại vùng kháng cự 910-920 điểm.
Với quan điểm lạc quan, đa số chuyên gia đã thực hiện nâng tỷ trọng cổ phiếu trong tuần qua. Mức phân bổ vốn cao nhất là 80%.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đã có một tuần tăng trưởng đột biến mạnh. Tuy nhiên mốc 900 điểm đã tuột khỏi tầm tay trong phiên cuối tuần. Anh chị đánh giá thế nào về phiên điều chỉnh cuối tuần, là một ngày chốt lời bình thường, hay dấu hiệu của một đỉnh ngắn hạn?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
VN-Index đã tăng liên tục tăng điểm 10 phiên giao dịch. Theo đó VN-Index đã bật tăng mạnh ngay từ phiên đầu tuần với mức tăng hơn 11 điểm. Phiên giao dịch ngày thứ Năm cũng ghi nhận mức tăng hơn 10 điểm, đưa chỉ số vượt đỉnh 10 năm.
VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên ngày thứ 6 khi chỉ số áp sát ngưỡng 900 điểm. Trong khi đó, HNX-Index chứng kiến một tuần giao dịch với 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch tuần vừa qua ở mức khá cao, cho thấy tâm lý tích cực của nhà đầu tư.
Việc điều chỉnh phiên cuối tuần chỉ là sự chốt lời thuần túy, giảm điểm trong xu hướng chính đi lên của thị trường.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tuy Vnindex lỡ hẹn mốc lịch sử 900 điểm nhưng tuần vừa qua cũng đã đánh dấu một tuần tăng đột biến, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 4.300 tỷ đồng/phiên ( 24% so với bình quân 2 tuần trước và 43% so với bình quân tháng 10).
Phiên cuối tuần cũng chấm dứt 10 phiên tăng liên tục của Vnindex và thị trường đã trải qua 7 tuần tăng liên tục, đây là chuỗi tăng dài nhất và mạnh nhất kể từ đầu năm 2016.
Điểm nổi bật trong tuần qua là dòng vốn nước ngoài vào thị trường ở nhóm SCIC thoái vốn đã kích hoạt sức lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác, độ rộng của thị trường theo đó được cải thiện đáng kể với 51% số mã tăng và 41% số mã giảm giá.
Tóm lại thị trường đang rất mạnh với điểm nhấn là dòng tiền nước ngoài đã tạo nên sức lan tỏa tốt ở cổ phiếu, khi cầu ngoại có phần đuối như ở phiên cuối tuần thì đã có dòng tiền nội vào đỡ giá khá tốt, đó là điểm tích cực trong phiên điều chỉnh này.
Do vậy phiên điều chỉnh cuối tuần chỉ mang tính kỹ thuật sau chuỗi tăng liên tiếp và cũng chưa đủ dấu hiệu xác nhận của một đỉnh ngắn hạn hay nguy cơ thay đổi xu thế nhưng là dấu hiệu của sự thận trọng. Trong suốt quá trình đi lên từ mốc 800 điểm đến nay, Vnindex đã một vài lần điều chỉnh như phiên cuối tuần nhưng sau đó đều đi lên cao hơn.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng phiên giảm điểm cuối tuần nhiều khả năng chỉ là phiên rung lắc, điều chỉnh bình thường khi thị trường tiệm cận vùng kháng cự tâm lý mạnh quanh 900 điểm.
Dư địa tăng của Vn-Index có thể vẫn còn với đích đến kế tiếp nằm tại vùng kháng cự 910-920 điểm.
Kể cả trong kịch bản tiêu cực là chỉ số tạo đỉnh ngắn hạn tại vùng quanh 900 điểm, thì với đà tăng dốc như hiện tại thì khả năng để chỉ số sụt giảm mạnh ngay thường khó xảy ra. Chỉ số có thể sẽ cần thời gian phân phối trước khi bước vào nhịp suy giảm.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS
Tuần qua chỉ số Vnindex tiếp tục có tuần bứt phá mạnh tiếp theo, biên độ giao động trong phiên cũng nới rộng ra. Dòng tiền vẫn tiếp tục phân hoá và tập trung nhiều ở các cổ phiếu có vốn hoá lớn, trong khi chỉ số tăng mạnh nhưng danh mục nhiều nhà đầu tư vẫn không tăng, thậm chí còn thua lỗ.
Những yếu tố trên cũng đang tạo ra tâm lý cẩn trọng, dè chừng và một phần tiếc nuối. Do vậy những phiên tăng mạnh giảm mạnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn với thị trường trong thời gian tới và việc chỉ số tăng mạnh rồi bị bán trở lại trong phiên cuối tuần qua theo tôi hoàn toàn là yếu tố tâm lý chốt lời bình thường.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Anh chị đã khá chính xác trong đánh giá về VNM tuần qua, cổ phiếu này tăng 5,4% và là một trong những cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất tới chỉ số VN-Index. Theo anh chị liệu thị trường sẽ vẫn dựa vào sức mạnh của các mã như VNM, VIC, VRE? Liệu có thể có nhóm cổ phiếu nào khác dẫn dắt thị trường?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng đà tăng điểm của chỉ số vẫn sẽ dựa vào sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng ngân hàng.
Tuy nhiên, các nhóm cổ phiếu này có thể sẽ giảm bớt sự chi phối đối với diễn biến của thị trường và đóng vai trò giữ nhịp là chủ yếu. Dòng tiền được dự báo sẽ luân phiên dịch chuyển để giúp đà tăng của thị trường lan tỏa rộng hơn đến các nhóm cổ phiếu khác.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Thị trường vẫn dựa trên kịch bản cũ với các diễn viên chính là các trụ như VNM, VIC hay VRE…và trở nên hấp dẫn người cầm tiền hơn khi có sự lan tỏa của dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu khác.
Điểm nóng vẫn tập trung ở nhóm SCIC thoái vốn mà thuyền trưởng chính là VNM. Cổ phiếu này không chỉ thiết lập mặt bằng giá mới mà còn kích hoạt làn sóng tăng giá cho nhiều blue-chip khác, và kích thích đà tăng trên thị trường… Ngoài ra dòng tiền còn tìm đến những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt nhưng giảm giá ở giai đoạn thị trường xanh vỏ đỏ lòng vừa qua.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS
Theo quan sát của tôi hiện tại chưa thấy dấu hiệu điều chỉnh trong nhóm các cổ phiếu trụ như VNM, VIC… Tuy nhiên tôi không kỳ vọng những cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh để kéo thị trường. Thay vào đó tôi đang kỳ vọng vào nhóm các cổ phiếu có câu chuyện ngắn hạn như FPT, nhóm “bank”, nhóm dầu khí sẽ giúp thị trường vượt vùng cản tâm lý 900 điểm của vnindex.
Việc tôi kỳ vọng vậy bởi, thứ nhất việc VNM thoái vốn thành công hơn cả dự kiến sẽ kéo theo hiệu ứng tâm lý tốt với các cổ phiếu có câu chuyện thoái vốn như FPT, BMP, VCG…
Thứ 2 là nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được kỳ vọng tiếp tục có kết quả kinh doanh tốt trong quý 4 và năm 2018, nên có nhiều khả năng nhóm này sẽ có những phiên giao dịch bùng nổ để kéo thị trường (hy vọng là trong tuần này sẽ xảy ra điều đó).
Riêng với nhóm dầu khí rõ ràng chúng ta nhận thấy dòng tiền đầu cơ đã quay lại ở các cổ phiếu như PVD, PVS… ngoại trừ GAS là cổ phiếu vẫn thu hút dòng tiền đầu tư, nguyên nhân nhóm này hút được dòng tiền đầu cơ là bởi giá dầu thế giới đang tạo xu thế tăng trở lại, và khả năng giá dầu WTI sẽ vượt 60usd/thùng trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Sau khi mùa công bố kết quả kinh doanh đi qua, những hiệu ứng thông tin tích cực liên tiếp gối đầu nhau như hội nghị cấp cao APEC, hay việc SCIC triển khai các thương vụ thoái vốn ngay trong năm 2017 khiến dòng tiền liên tục duy trì tốt.
Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng các kỳ vọng xung quanh kỳ tái cơ cấu danh mục của các Quỹ ETF ngoại hay kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2017 của các doanh nhiệp được xem là sức hút đối với nhà đầu tư trên thị trường bên cạnh làn sóng thoái vốn, hay M&A của nhiều doanh nghiệp.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đã trải qua 7 tuần tăng liên tục, đây là chuỗi tăng dài nhất và mạnh nhất kể từ đầu năm 2016. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường cũng đang ở mức kỷ lục chưa từng thấy, thậm chí vượt xa cả năm 2007. Rõ ràng là thị trường năm nay đang chuyển biến rất mạnh mẽ và tích cực. Nếu đưa ra cái nhìn dài hạn cho thị trường, anh chị đánh giá như thế nào?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS
Quan điểm của tôi đưa ra trong thời gian qua vẫn lạc quan về xu thế thị trường trong trung và dài hạn bởi sự ổn định và tăng trưởng trong nền kinh tế, cùng với đó là các chính sách của chính phủ nhằm hỗ trợ và phát triển thị trường vốn.
Việc dòng tiền nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam bởi họ cũng có cái nhìn như tôi chia sẻ ở trên. Về điểm số tôi kỳ vọng vnindex sẽ quay lại chinh phục đỉnh cũ đã thiết lập năm 2007 trong năm sau.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Định hướng chính sách của Ngân hàng nhà nước cùng với những chuyển biến tích cực về mặt vĩ mô vẫn đang ủng hộ xu hướng đi lên của thị trường trong trung-dài hạn.
Bên cạnh đó, với chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, tiềm năng tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện cũng đang được đánh giá ở mức cao.
Ngoài ra, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tạo kỳ vọng cho thị trường trong dài hạn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Xu hướng tăng trung và dài hạn của chỉ số vẫn được duy trì trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, các tin tức hỗ trợ liên tục xuất hiện. Chúng tôi nhận định cơ hội sinh lời khá đa dạng trong giai đoạn hiện tại khi dòng tiền có sự luân chuyển tốt giữa các nhóm.
Tuy vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục với trọng tâm là các cổ phiếu cơ bản hoặc có câu chuyện cá biệt.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Như đã nhận định ở các kỳ trước, thị trường đang có mức tăng trưởng tốt nhất trong vòng 8 năm qua với thành quả 32,5% kể từ đầu năm, gần gấp đôi so với năm ngoái. Yếu tố hỗ trợ cho sự tăng trưởng trên là nền tảng vĩ mô thuận lợi và dòng tiền nước ngoài đổ vào thị trường đang ở mức kỷ lục chưa từng thấy, thậm chí vượt xa cả năm 2007. Điểm đến của dòng tiền này là các cơ hội IPO và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù đang ở giai đoạn nước rút cho kế hoạch thoái vốn của nhà nước trong năm nay nhưng theo đánh giá của tôi quá trình này mới chỉ bắt đầu và dòng vốn ngoại này sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo giúp Vnindex tiếp tục chinh phục lên những mốc cao mới, do vậy thị trường hoàn toàn có thể tiệm cận mốc 976,79 điểm hay về mức đỉnh cũ trong thời gian cuối năm hoặc đầu năm sau.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đã có một tuần tăng trưởng rất tốt đối với cả chỉ số lẫn cổ phiếu. Anh chị tăng tỷ trọng lên bao nhiêu? Nếu đặt cược trên thị trường phái sinh vào lúc này, anh chị chọn bên nào, Long hay Short?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện mua thêm 20% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện tại là 70% cổ phiếu (trong đó, tỷ trọng các vị thế trung hạn chiếm 30%).
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn – Chứng khoán MBS
Tỷ trọng hiện nay của Tôi vẫn là 70/30 trong đó 70% là cổ phiếu, 30% tiền còn lại để trading trên chính danh mục của mình trong những phiên thị trường chốt lời.
Hiện tại tôi vẫn chưa nhận thấy yếu tố nào để kéo thị trường giảm sâu trong ngắn hạn, do vậy chiến lược đối với thị trường phái sinh là nên ưu tiên vị thế Long, tuy nhiên do hiện tại đang có sự chênh lệch lớn giữa phái sinh và cơ sở, nên chiến lược phù hợp nhất lúc này là nên chờ Long khi thị trường có những phiêm giảm điểm mạnh.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Sức lan tỏa ở cổ phiếu đã tốt hẳn lên trong tuần vừa qua khiến các tài khoản của nhà đầu tư có lãi, trong khi đó thị trường đang rất hấp dẫn những người đang cầm tiền, những phiên điều chỉnh là cơ hội để giải ngân hoặc cơ cấu danh mục, khi những đồng tiền còn thận trọng được đổ vào thị trường thì dễ dẫn đến những phiên bùng nổ, trên quan điểm đó tôi đã nâng tỷ trọng cổ phiếu từ 70% lên 80%.
Đối với chứng khoán phái sinh, mặc dù thị trường có điều chỉnh và VN30 có thể gặp kháng cự khi các Bluechips đang ở đỉnh nhưng basis cuối ngày ở kỳ hạn tháng 12 vẫn được duy trì rất rộng trên 15 điểm, do vậy có cơ hội để Short đối với hợp đồng này, tuy nhiên cửa Long cũng rất sáng khi triển vọng test đỉnh thành công ở nhóm bluechips trong VN30 đang được thị trường hỗ trợ.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ vẫn duy trì ở mức cao trong danh mục. Nếu đặt cược vào thị trường phái sinh lúc này chúng tôi sẽ lựa chọn vị thế Short do thị trường tăng đã nhiều điểm và khả năng điều chỉnh là cao.