Xử lý sở hữu chéo của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng: Phải nhìn thấy tảng băng chìm để có giải pháp xử lý hiệu quả

Ngắn dần những cánh tay “nối dài”

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của 1 TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của 1 TCTD khác, tạo cơ sở pháp lý góp phần ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, minh bạch hóa nguồn vốn góp của cổ đông của TCTD và người có liên quan của cổ đông đó.

Theo đó, Dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp nhóm cổ đông lớn có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Cụ thể, thông tư sửa đổi quy định TCTD khác phối hợp với cổ đông lớn của 1 TCTD và người có liên quan của cổ đông đó (nhóm cổ đông lớn có liên quan) sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 30.6.2019, tỉ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD . Sau thời hạn trên, nếu vẫn không tuân thủ quy định sẽ bị xử lý.

Thời gian qua, cùng với nhiều hoạt động thanh, kiểm tra, chỉ đạo giảm sở hữu chéo, tới cuối năm 2017, báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thông báo tình trạng sở hữu chéo đã giảm đáng kể. Đến nay, không còn cá nhân sở hữu trên 5% vốn ở ngân hàng, số cặp sở hữu chéo giảm từ 7 cặp trong năm 2015 còn 2 cặp. Sở hữu ngân hàng với DN giảm từ 56 cặp còn 2 cặp. Số TCTD sở hữu hơn 15% giảm từ 19 trường hợp năm 2012 còn 4 trường hợp.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2018, khi Luật Các TCTD sửa đổi, bổ sung có hiệu lực với quy định, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc (giám đốc) của 1 TCTD không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở DN khác… Các quy định để “siết” tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD, hay tình trạng thao túng ngân hàng và hoạt động sân sau được xem là dần hoàn thiện và chặt chẽ. Không ít ông chủ ngân hàng đã từ bỏ chức danh, thoái vốn tại các DN, ngân hàng liên quan. Tiêu biểu như ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Sacombank) đã từ bỏ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 DN; ông Đỗ Quang Hiển cũng chọn giữ “ghế” Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB và rời “ghế” Chủ tịch T&T Group; ông Đỗ Minh Phú (TPBank) cũng chấp nhận từ nhiệm kinh doanh vàng để giữ chức tại ngân hàng… Ngoài việc từ nhiệm của các ông chủ ngân hàng và DN, hệ thống các TCTD còn đón nhận các động thái thoái vốn, bán cổ phần tại những “cặp” sở hữu chéo vượt quy định.

Tảng băng chìm

Việc cơ cấu lại TCTD thời gian qua thật sự đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, song phải nhìn thẳng rằng, vẫn còn quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Theo TS Trương Huy Mai – chuyên gia tài chính RMIT – việc xử lý sở hữu chéo của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hàng không phải là cần thêm thời gian thì mới xử lý được, mà phải xử lý được tảng băng chìm của nó. Thời gian qua, tất cả chỉ là xử lý phần bề nổi. Đâu đó, vẫn còn thấy được sự chằng chịt trong các mối quan hệ do lợi ích nhóm điều phối. Điều này vẫn tiềm ẩn mối nguy gây hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế.

Dễ dàng nhận thấy, tại mùa họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều ông chủ ngân hàng tuy rời ghế ngân hàng hoặc rời ghế DN, song người thay thế lại là người trong gia đình hoặc là những người hết sức thân cận, như trường hợp của ông Đỗ Quang Hiển (SHB), Dương Công Minh (Sacombank), Nguyễn Tiến Dũng (NCB), Đỗ Minh Phú (TPBank)… Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch SeABank suốt 11 năm – đã “nhường” lại vị trí này cho Tổng giám đốc Lê Văn Tần. Bà Lê Thu Thủy (con bà Nga) thay vị trí ông Tần, giữ quyền Tổng giám đốc SeABank. Tuy rời ghế Chủ tịch, song bà Nga vẫn là thành viên HĐQT SeABank. Trước đó, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch HĐQT ABBank – cũng thôi vị trí Chủ tịch ngân hàng để tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco và một số công ty khác. Tân Chủ tịch HĐQT ABBank lại là ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông Tiền.

Theo luật sư kinh tế Nguyễn Thanh Nhã (văn phòng luật DBS tại TPHCM), đến nay, các quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần, quy định về người liên quan của NHNN vẫn chỉ chống được sở hữu chéo về mặt hình thức. Do thiếu minh bạch, việc xác định ông chủ thực đứng sau các nhóm cổ đông là ai đang hết sức khó khăn, sở hữu chéo ở một số trường hợp thực chất không giảm, thậm chí còn tăng và NHNN vẫn chưa thể thở phào với sở hữu chéo.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật là chúng ta đang rất cần nguồn lực tài chính mạnh cho việc tái cấu trúc ngân hàng, và khi 1 người bỏ tiền ra thì đương nhiên họ phải có tiếng nói quyết định để đảm bảo chiến lược tái cơ cấu của mình được thực hiện thành công và giám sát đồng tiền đầu tư của mình. Có thể tỉ lệ sở hữu thực của một số nhóm cổ đông lớn hơn mức độ cho phép, song chúng ta vẫn phải chấp nhận để có nguồn lực đổ vào để tái cơ cấu ngân hàng đó thành công. Sau đó, NHNN phải nghiên cứu bổ sung các quy định để bóc tách những “mạng nhện” sở hữu chéo một cách triệt để, bởi thực tế, sở hữu chéo vẫn đang lẩn khuất, đặc biệt là trong quan hệ giữa các ngân hàng và các công ty con. Việc giảm sở hữu chéo các TCTD cần những chỉ đạo và hoạt động “mạnh tay”, thực chất hơn nữa để các TCTD tuân thủ, giúp hệ thống ngày càng lành mạnh – luật sư Nhã nêu quan điểm.

NHNN sẽ siết nhân sự cấp cao ở các ngân hàng không tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu

Bài viết mới