Hối hả thu hồi nợ
Cuối tháng 1/2018, NHNN đã có văn bản hối thúc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tích cực xử lý nợ xấu (XLNX) nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội “Về thí điểm XLNX của các TCTD” (NQ42), đẩy nhanh tiến độ XLNX của cả hệ thống.
Nghị quyết 42 với những quy định mới đã giúp hoạt động thu hồi, bán tài sản đảm bảo của ngân hàng khởi sắc hơn |
Tại văn bản trên, Thống đốc yêu cầu các TCTD quyết liệt triển khai thực hiện XLNX theo NQ42 trong toàn hệ thống, quán triệt chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo NQ42 nhằm nhận diện đầy đủ tình trạng nợ xấu. Đặc biệt là đánh giá các khoản nợ xấu lớn, tài sản đảm bảo cho các khoản vay này, khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu…
Trên cơ sở đó các đơn vị phải đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm xử lý, thu hồi các khoản nợ xấu. Một trong các yêu cầu được NHNN đưa ra là tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định.
Trên thực tế thời gian qua các ngân hàng cũng khá chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ, tất toán TPĐB trước hạn. Theo chia sẻ của lãnh đạo VAMC, đến thời điểm cuối năm 2017, đã có một số ngân hàng tất toán toàn bộ số nợ mua bằng TPĐB của VAMC như Vietcombank, Techcombank… và các ngân hàng đã tất toán 88 nghìn tỷ đồng nợ mua bằng TPĐB – một con số không hề nhỏ cho thấy tín hiệu tích cực trong việc chủ động đối với hoạt động XLNX của các TCTD.
Lãnh đạo một ngân hàng đã tất toán TPĐB cho biết, trong số khoản nợ các ngân hàng tất toán với VAMC có nhiều khoản ngân hàng đã xử lý, thu hồi nợ xong, nhưng có những khoản ngân hàng mua về để tự xử lý trong năm nay. Một số ngân hàng đang ngỏ ý sẽ mua lại toàn bộ số nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2018.
Đơn cử, vốn được coi là ngân hàng bán nhiều nợ xấu cho VAMC nhất, song lãnh đạo Agribank cho biết ngân hàng này cố gắng mua lại toàn bộ nợ xấu bằng chính nguồn lực của mình. Hiện tại các ngân hàng đang có nhiều hậu thuẫn từ nền tảng tài chính tốt, cơ sở pháp lý tốt hơn khi NQ42 được Quốc hội ban hành…
Có thể nói, sau khi NQ42 có hiệu lực, hoạt động thu giữ, bán đấu giá tài sản đảm bảo của các ngân hàng diễn ra nhộn nhịp. Từ việc phối hợp với VAMC cũng như bản thân các ngân hàng tự xử lý đã giúp các ngân hàng thu về hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử như Sacombank, trong những ngày cuối năm ngân hàng này đã phối hợp với VAMC bán đấu giá tài sản thu hồi được tới 5.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sacombank, chỉ riêng năm 2017, ngân hàng này đã xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 15.000 tỷ đồng thuộc Đề án tái cơ cấu.
Hay như Agribank trong năm nay cũng đã xử lý, thu hồi được 22.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có 8.000 tỷ đồng nợ bán cho VAMC. Nhờ phối hợp tích cực chủ động của các TCTD, trong năm 2017, VAMC thu hồi nợ xấu vượt kế hoạch đạt 30.700 tỷ đồng vượt xa chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ được NHNN giao là 22.000 tỷ đồng.
Vẫn còn rào cản
Nếu tình hình diễn ra thuận lợi hơn trong năm 2018, số nợ xấu các ngân hàng xử lý được sẽ là không nhỏ. Nhìn chung điều dễ nhận thấy trong thời gian qua là hoạt động thu hồi nợ của các ngân hàng được đẩy nhanh phần lớn do thu hồi, bán đấu giá tài sản.
Tuy XLNX bằng cách thu hồi, bán tài sản đảm bảo đã khởi sắc hơn, nhưng điểm qua một số báo cáo tài chính của ngân hàng thì vẫn thấy nguồn để xử lý nợ chủ yếu từ trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi con số nợ thu hồi từ bán tài sản đảm bảo vẫn khá thấp.
Thừa nhận, tốc độ thu hồi nợ được cải thiện rõ nét trong năm 2017 nhất là sau khi NQ42 có hiệu lực, nhưng lãnh đạo VAMC cho biết tốc độ xử lý thu hồi tài sản đảm bảo còn thấp hơn so với mong muốn do vẫn còn những trở ngại về thủ tục pháp lý đối với hoạt động này cần được giải quyết…
Theo quy định tại Điều 7 NQ42, điều kiện lớn nhất để TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo là tại Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Trên thực tế phần lớn Hợp đồng bảo đảm đã ký trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực 1/1/2017 giữa TCTD và khách hàng đều không có thỏa thuận cụ thể về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, mà chỉ quy định chung chung như “…Bên nhận thế chấp được xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật…” hoặc “…Bên nhận thế chấp được toàn quyền bán tài sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay…”.
Vì vậy, VAMC đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về quyền thu giữ tài sản đảm bảo đối với Hợp đồng bảo đảm xác lập trước ngày 1/1/2017 chỉ có nội dung thỏa thuận “…Bên nhận thế chấp được xử lý tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật…” có được áp dụng theo Điểm a Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự 2015 hay không.
Để triển khai có hiệu quả NQ42, VAMC đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để VAMC và TCTD thuận lợi trong việc thu giữ tài sản đảm bảo.
Đơn cử, Bộ Tài nguyên – Môi trường nhanh chóng có hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đang dở dang. Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng các thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại tòa án.
Ngoài ra, lãnh đạo VAMC cũng mạnh dạn đề nghị sẽ thành lập Tổ công tác liên ngành về XLNX theo Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với XLNX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg để hoạt động XLNX được nhanh và hiệu quả như mục tiêu lộ trình đặt ra tại Đề án là đến hết năm 2020 đưa nợ xấu toàn hệ thống, nợ bán cho VAMC, nợ xấu được cơ cấu lại về dưới 3%.
Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng – ĐBQH, TS. Trần Hoàng Ngân tin rằng đến năm 2020, hệ thống ngân hàng sẽ giải quyết điểm nghẽn nợ xấu giúp cho lành mạnh hóa tài chính ngân hàng cũng như nâng tầm hoạt động của NHTM, ứng dụng nguyên tắc chuẩn mực quốc tế như Basel II, III…