“Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để”

Trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 trước Quốc hội sáng nay (23/10), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017.

Thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao

Về cơ bản, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được kiên trì thực thi đúng hướng và phù hợp diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, dần thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, giải quyết yếu kém của một số doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân ngày càng giảm; tăng xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thiếu tính bền vững…

Về tốc độ tăng trưởng GDP ước thực hiện đạt 6,7%, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý, đây vẫn là thách thức lớn do những nhóm yếu tố tạo đà tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2017 gồm tiêu dùng của người dân, xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo hiện không còn nhiều dư địa, tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Các yếu tố khác như khai khoáng, giải ngân vốn đầu tư công dự báo giảm so với năm 2016.

Do vậy, ông Thanh đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá các khó khăn và phân tích rõ hơn các yếu tố, nguồn lực để bảo đảm đạt được mức tăng trưởng 6,7%.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, nhiều ý kiến cho rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3% nhưng thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao. Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém với nợ xấu chưa căn bản và triệt để; nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện. Có ý kiến lo ngại về hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi tăng trưởng tín dụng cao sẽ dễ dẫn đến tác động tiêu cực tới lạm phát, gia tăng nợ xấu và tín dụng không đi vào những ngành, lĩnh vực có tác động tích cực tới nền kinh tế. Có những dấu hiệu cho thấy giá bất động sản tăng bất thường ở một số nơi dưới tác động của đầu cơ; đầu cơ cục bộ cũng diễn ra trên thị trường chứng khoán. Đây là những chỉ báo gây lo ngại và cần được giám sát chặt chẽ.

Có ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu có tác động tích cực trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nhưng nảy sinh những bất cập do các đối tượng này phải chịu áp lực tự chủ, do đó tìm mọi cách để tăng nguồn thu cho đơn vị, nhất là đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế.

Tiến độ tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn trong những ngành Nhà nước không cần nắm giữ chưa đạt yêu cầu đề ra. Một số vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đặt ra vấn đề về tiêu chí xác định lựa chọn cổ đông chiến lược và định giá giá trị doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất…

Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, gây thiệt hại lớn

Báo cáo thẩm tra chỉ ra một số cơ chế, chính sách còn bất cập, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng lên nhưng các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể có xu hướng tăng cao. Việc lập, phê duyệt, phân giao vốn chưa được quán triệt đầy đủ và tuân thủ nghiêm túc dẫn đến tiến độ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn còn rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của các dự án, công trình.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển dòng vốn và mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam là tín hiệu tích cực nhưng nếu không được thẩm định, kiểm soát kỹ cũng kéo theo sự chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện môi trường vào nước ta, đồng thời đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các thành phần kinh tế khác về năng lực cạnh tranh, kể cả tác động chèn lấn sự phát triển mà chưa tạo ra tác động lan toả, thúc đẩy liên kết để cùng phát triển.

Đối với các dự án BOT giao thông, bên cạnh các đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, dư luận xã hội cũng bày tỏ sự không hài lòng về một số khâu trong quá trình triển khai dự án như chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực, chất lượng một số công trình kém, mức giá dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ.

Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm, gây thiệt hại lớn. Sai phạm, vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương thiếu khách quan, minh bạch; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ nguyên nhân và việc xử lý những vụ án lớn về buôn lậu, buôn bán thuốc giả sau khi xét xử còn có nhiều ý kiến trái chiều, tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tình hình cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Những tháng còn lại của năm 2017, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến cho rằng, một loạt các giải pháp, chính sách đã đề ra phải được xem xét, điều chỉnh hợp lý hơn.

Đây là cơ hội để đẩy mạnh thực hiện các chính sách với tầm nhìn trung và dài hạn. Bên cạnh đó, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cần được quan tâm, đánh giá rõ hơn về chất lượng, tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng kiểm soát lạm phát trong các năm tiếp theo.

Trong phần đề ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra 11 nhiệm vụ trọng tâm trong đó nhấn mạnh nội dung gắn trách nhiệm giám sát, giải trình và nâng cao tính minh bạch nhằm kiểm soát hoạt động của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của hệ thống kiểm toán, kể cả kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập và kiểm toán nội bộ.

Triển khai kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, đánh giá độc lập đối với tất cả DNNN và vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp để có phương án cơ cấu lại cụ thể cho từng doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước đi vào thực chất, tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong công tác cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, kiên quyết thoái hết vốn nhà nước tại DNNN mà nhà nước không cần nắm giữ…

Theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán để kiểm soát, điều chỉnh kịp thời, tránh xảy ra tiêu cực đối với nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thật sự thực chất, hiệu quả, ổn định và phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng thực hiện bảo hiểm một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tập trung tích tụ ruộng đất, thực hiện hỗ trợ về thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tổ chức lại hệ thống đồng bộ từ sản xuất tới chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm các khâu trung gian nhằm cắt giảm chi phí đầu vào và đầu ra…

“Không thể cứ có tiền thì được làm ngân hàng”

Bài viết mới