Xu hướng M&A các công ty chứng khoán: Thời của dòng vốn Hàn Quốc, HongKong và Trung Quốc

Những thương vụ M&A dù trong bất cứ lĩnh vực nào đều luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Năm 2017 thị trường cũng chứng kiến sự đổi chủ tại các công ty chứng khoán nhỏ với sự đổ bộ của dòng vốn từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Chứng khoán Woori CBV đổi chủ dù đang mang “lỗ lũy kế”

Mới đây nhất, những ngày cuối tháng 11/2017 vừa qua, 12,98 triệu cổ phần của Chứng khóa Woori CBV đã “được” 15 cá nhân thống nhất chuyển giao cho 1 cổ đông ngoại – NH Investment & Securities Co.,Ltd – đây là 1 công ty chứng khoán của Hàn Quốc.

Sau khi chuyển nhượng hoàn tất, NH Investment & Securities đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Chứng khoán Woori CBV lên 96,15% vốn điều lệ. Cùng với việc đổi chủ, Chứng khoán Woori CBV cũng lập tức thông tin về các thay đổi nhân sự chủ chốt.

Một điểm đáng chú ý, trên BCTC quý 3/2017 Chứng khoán Woori CBV còn thể hiện đang khoản lỗ lũy kế hơn 11 tỷ đồng tính đến 30/9/2017.

KB Securities mua 99% vốn của Chứng khoán Maritime (MSI)

Trước đó không lâu, tháng 10/2017, một công ty chứng khoán Hàn Quốc là KB Securities Co.Ltd đã chi khoảng 35 tỷ won tương ứng khoảng 31 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng) để mua lại 99% vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI).

Không những thế, một quan chức của KB Securities còn cho biết công ty sẽ bơm thêm vốn vào MSI để mở rộng hoạt động kinh doanh sau khi hoàn tất thương vụ M&A này. Việc M&A sẽ giúp MSI có những hoạt động cộng tác với các đơn vị của KB Financial Group như KB Kookmin Bank.

MSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô trung bình tại Việt Nam. Năm 2016, MSI chiếm 3,5% thị phần môi giới tại HNX và 1,7% thị phần tại HoSE.

Việc các công ty Hàn Quốc dấn chân vào thị trường Việt Nam không phải là mới. Hiện trên thị trường chứng khoán cũng tồn tại khá nhiều công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc như Chứng khoán KIS Việt Nam, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Maybank KimEng…

Một điều khá dễ hiểu, việc thực hiện M&A các công ty chứng khoán là con đường ngắn nhất để các nhà đầu tư nước ngoài đặt chân vào lĩnh vực công ty chứng khoán tại Việt Nam thay vì làm các thủ tục thành lập mới.

Chứng khoán Đệ Nhất đồng ý để nhóm 2 cổ đông ngoại mua trọn 100% vốn

Ngày 19/12 vừa qua Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm đổi tên, sửa đổi điều lệ công ty theo tên mới…

Cũng liên quan thông tin về Chứng khoán Đệ Nhất, những tháng cuối năm 2017 vừa qua 1 công ty chứng khoán của Hong Kong, Yuanta Securities (Hong Kong) Company Limited đã liên tục mua vào làm tăng tỷ lệ sở hữu tại FSC. Mới đây nhất, cuối tháng 12, Yuanta Securities còn đăng ký mua thêm gần 15 triệu cổ phiếu FSC thông qua chuyển nhượng cổ phần qua sàn để nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty chứng khoán này lên 49,19%.

Không chỉ vậy, ĐHCĐ bất thường họp tháng 10/2017 vừa qua của Chứng khoán Đệ Nhất cũng đã thống nhất chấp thuận cho nhóm cổ đông bao gồm Yuanta Securities (Hong Kong) Compay Ltd và Yuanta Securities Asia Financial Services Ltd được cùng nhau mua trọn 100% vốn cổ phần của Chứng khoán Đệ Nhất mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Chứng khoán IVS

CTCK Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS) đã thông qua phương án tăng room ngoại lên 100% tại ĐHĐCĐ thường niên 2017. Đáng chú ý, Đại hội cũng đã thông qua việc bầu mới HĐQT cùng Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2017-2022. Danh sách những thành viên mới ứng cử HĐQT có đến 8 (trong số 10) người mang quốc tịch Trung Quốc.

Trước đó vào thời điểm năm 2013, IVS được cho là nhận chuyển 10.000 tài khoản nhà đầu tư từ Chứng khoán Tràng An (TAS). Trong số các tài khoản chứng khoán chuyển sang IVS này số lượng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là rất lớn do ông Dương Hiểu Đông, Chủ tịch TAS là người Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán khởi sắc những ngày cuối năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến những tháng cuối năm khởi sắc, chỉ số Vn-Index đang lăm le chạm ngưỡng 1.000 điểm, cùng với đó hàng loạt mã cổ phiếu “tăng vọt” lên mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đà tăng trưởng của thị trường thì các công ty chứng khoán cũng đang đứng trước thách thức mới khi điều kiện để các công ty chứng khoán tham gia vào nhiều sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, và sắp tới đây là chứng quyền. Đặc biệt, yêu cầu về nguồn vốn đối với các công ty chứng khoán là rất lớn.

Quá trình M&A cũng đã tạo động lực cạnh tranh cho các công ty chứng khoán. Khi các nhà đầu tư nước ngoài mang theo dòng vốn mạnh nhảy vào lĩnh vực chứng khoán, các công ty chứng khoán trong nước cũng cần ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ để giành thị phần nếu không muốn bị đào thải – đây cũng là điểm lợi nhất cho các nhà đầu tư.

M&A công ty chứng khoán: Sự phá hủy mang tính sáng tạo

Bài viết mới