TPHCM: Thấp thỏm sống chung với… tử thần
Bà Lê Thị Thái (chung cư Lý Thường Kiệt, đường Vĩnh Viễn, quận 11) cho biết: “Gia đình tôi sống ở chung cư này đã hơn 50 năm. Từ thời cha mẹ, tới đời tôi, nay sang đời các con, cháu tôi cũng tụm nhau sống ở đây. Dù chung cư xập xệ, xuống cấp trầm trọng, nhưng tiền đâu mà đổi nhà? Hơn nữa, quen sống ở đây rồi, nên khó thay đổi lắm”.
Riêng ông Nguyễn Văn Kỉnh (chung cư Liêu Thị Hương, phường 8, quận 11) nói: “Sống trong chung cư cũ nát, nói thiệt, là sống trong nỗi phập phồng, nơm nớp sợ như sống chung với tử thần. Chung cư quá cũ, quá nát, nói dại, lỡ nó sập là chết cả đám. Nhưng biết sao, khi gần như cả đời, gia đình chúng tôi nương náu ở đây”.
Tương tự, tại chung cư Ấn Quang (quận 10), là một trong những chung cư cũ nát, xuống cấp nhất ở TPHCM. Hàng trăm hộ dân sống tại đây đang đánh cược sinh mệnh của họ, với hơn 6 tầng chung cư đang từng ngày rệu rạo, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào…
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy TPHCM gần đây, ông Ngô Văn Luận – Bí thư Quận ủy quận 11 – cho biết: Quận 11 là một trong những quận đông dân nhất TPHCM. Quận 11 đang rất cần đẩy nhanh tiến độ cải tạo 43 chung cư cũ, xây dựng từ trước năm 1975, nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có lô B, D, J chung cư Lý Thường Kiệt (phường 7) và cư xá Nhà Đèn 8 (phường 2) thuộc cấp độ B, C (khẩn cấp)…
Tuy nhiên, trên thực tế, tiến độ cải tạo các chung cư sắp sập trên vẫn chưa đạt. Một trong những lý do là các chung cư trên có diện tích đất nhỏ hẹp, không thu hút các nhà đầu tư…
Trong khi đó, theo ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TPHCM: Toàn TPHCM, có 474 chung cư cũ, với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư trên được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỉ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D – cấp độ nguy hiểm cao nhất.
Hà Nội: 10 năm thực hiện được… 1%
Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, TP mới hoàn thành việc cải tạo 14/1.500 nhà chung cư, cho dù hàng loạt ý tưởng, cơ chế đặc thù đã được đề xuất và thí điểm áp dụng.
Trao đổi với Lao Động chiều 20.8, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Đa số các nhà chung cư cũ này đều hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô.
Từ năm 2003, UBND TP.Hà Nội đã bắt đầu giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với các quận thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập. Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng, con số này chỉ đạt 1% trong tổng số chung cư cũ cần cải tạo.
Trên thực tế, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 6 cơ chế chính sách khung trên cơ sở quy định của Nghị định 101/2015 gồm bổ sung tiêu chí lựa chọn nhà chung cư cũ đưa vào kế hoạch; cơ chế về quy hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về lựa chọn chủ đầu tư; chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư; cơ chế tài chính cho dự án và phân cấp thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Hiện UBND TP.Hà Nội đã hoàn tất việc giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng. Trong số các doanh nghiệp được giao triển khai, có nhiều tên tuổi lớn như các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, UDIC, Geleximco, Vinaconex, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Hòa Phát. Khi giao các doanh nghiệp thực hiện nội dung nêu trên, UBND TP.Hà Nội nêu rõ, nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch chi tiết do các đơn vị này tự chủ động.
Còn vướng cơ chế
Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 21/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và có hiệu lực từ 15.8.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thông tư 21 quy định khá cụ thể về vai trò của các doanh nghiệp tham gia, nhu cầu của người dân khi cải tạo chung cư cũ, và nhu cầu tái định cư của người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, thực tế ở mỗi địa phương khác nhau nên Bộ Xây dựng không thể đưa ra một “khung cứng” để quy định cụ thể các vấn đề như tỉ lệ đền bù, hay chiều cao, số tầng khi cải tạo chung cư cũ.
Còn chuyên gia về bất động sản, TS Lê Chí Đại Nhân (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) nói: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TPHCM hết sức ủng hộ các dự án cải tạo chung cư cũ nát, xây dựng từ trước năm 1975. Thế nhưng trên thực tế, đầu tư vào lĩnh vực này rất nhỏ giọt; bởi có quá nhiều rào cản…Thí dụ: Giá bồi thường cao, trong khi diện tích đất không đủ cho nhà đầu tư xây dựng gỡ vốn đầu tư.
Đặc biệt, hầu hết chung cư cũ trong nội thành, xen lẫn trong khu dân cư đã hình thành hàng chục năm, nên chi phí xây dựng, vận chuyển đều rất cao… Mọi nguyên nhân trên đã không hấp dẫn nhà đầu tư bỏ vốn cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”. Mới đây, Cty CP chế biến hạt điều Lạc Long Quân (quận 11) đã đề xuất phương án “xã hội hoá” cải tạo các chung cư cũ nát.
Ông Ngô Triều Vân – Tổng GĐ Cty CP chế biến hạt điều Lạc Long Quân – cho biết: “Hiện Cty chúng tôi có hơn 4.300m2 đất tại 168/11 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, mà Nhà nước giao để xây dựng trường nghề. Song, do chủ trương TP di dời trường nghề ra khỏi nội thành, nên DN sẵn sàng dành toàn bộ diện tích đất trên để xây nhà ở xã hội, dùng cho tái định cư các hộ dân bị giải tỏa tại các chung cư cũ nát của quận 11.
Sau khi tái định cư cho dân xong, DN sẽ đầu tư xây dựng mới hoàn toàn chung cư mới tại ngay địa điểm các chung cư cũ… Nhà nước không phải bỏ vốn, chỉ tạo điều kiện về chính sách, điều chỉnh quy hoạch sao cho thông thoáng, thì các dự án cải tạo chung cư cũ nát sẽ có lối ra”.
Năm 2017, TPHCM phấn đấu cải tạo, sửa chữa 10 chung cư (16 lô), với hơn 116.000m2 sàn xây dựng. Bồi thường giải phóng mặt bằng 5 chung cư (7 lô), gần 28.000m2 sàn xây dựng; với 580 căn còn lại phải di dời; tháo dỡ 5 chung cư (8 lô) bị hư hỏng nặng, nguy hiểm. TP cũng sẽ khởi công 6 chung cư tại vị trí các chung cư cũ đã tháo dỡ với quy mô 1.785 căn hộ. Và theo kế hoạch, đến năm 2020, TPHCM sẽ hoàn thành tháo dỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Nên linh động cho phép tăng mật độ dân số ở mức độ nhất định bằng cách cho phép tăng chiều cao, số tầng của dự án. Mặt khác, có thể chuyển dự án cải tạo chung cư cũ thành dự án trung, cao cấp để tận dụng vị trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật độ dân số quá cao. Tránh việc thay chung cư cũ bằng chung cư mới xây nhưng chất lượng thấp do thỏa thuận với người dân về diện tích mà không cam kết rõ về chất lượng và mức độ hoàn thiện.
Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội
Cần tôn trọng quy hoạch chung của thành phố trong quá trình cải tạo chung cư cũ chứ không phải chiều theo lợi ích của nhà đầu tư. Quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ phải được lập quy hoạch cho toàn khu, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch của thành phố về quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành với các tiêu chí chính là “dân số, không gian và hệ số sử dụng đất”.
Lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp ai cũng hiểu, cũng công nhận nhưng chưa tìm ra được lời giải cuối cùng.