Xơ xác vụ cúc Tết

Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2018, từ đầu tháng 10 âm lịch, các nhà vườn đã tập trung xuống giống. Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng xuống giống khoảng 2.000 ha hoa Tết các loại, trong đó hơn 1.000 ha cúc, tập trung tại TP Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng.

Dịch bệnh mới, khó trị

Mấy ngày qua, làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Đà Lạt), nơi nổi tiếng với hoa cúc, nồng nặc mùi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Theo những người trồng hoa, ở đây đang trong cao điểm phòng chống bệnh héo lá sọc thân, một loại bệnh mới phát sinh thành dịch trên cây hoa cúc.

Dịch bệnh héo lá sọc thân gây thiệt hại nặng vụ hoa Tết ở Lâm Đồng

Dịch bệnh héo lá sọc thân gây thiệt hại nặng vụ hoa Tết ở Lâm Đồng

Ông Lê Duy Kha (ngụ phường 12, TP Đà Lạt) cho biết bình thường với 4 sào trồng hoa, gia đình ông thu gần 50 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do dịch bệnh gây thiệt hại hơn 60% nên vụ hoa vừa qua chỉ thu được 15 triệu đồng, lỗ nặng. Vụ hoa Tết 2018, ông xuống giống được gần 2 tháng nhưng để tránh lây lan, buộc phải nhổ bỏ do cây bị vàng lá, thân có sọc nâu, chết rũ.

Cạnh đó là hộ ông Vương cũng bị thiệt hại không kém. Ông Vương nhận định dịch bệnh trên cây hoa cúc hiện nay là rất lạ, khó chữa trị. Nếu phát hiện kịp thời, phun thuốc BVTV cây chỉ chững lại, không hết hẳn. “Bệnh này gây hại từ lúc mới trồng cho đến thu hoạch” – ông Vương nói.

Những nhà vườn dày dạn kinh nghiệm ở đây cũng bất lực với bệnh héo lá sọc thân trên cây hoa cúc. Theo họ, dịch bệnh đợt này gây hại nặng trên tất cả giống hoa cúc.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, nhìn nhận: “Các vùng trồng hoa cúc ở TP Đà Lạt đều xuất hiện bệnh héo lá sọc thân. Phường 12 có gần 100 ha hoa vụ Tết, trong đó 75 ha cúc nhưng có tới hơn 40% bị thiệt hại, hầu hết nhà vườn phải nhổ bỏ”.

Nhiều nhà vườn ra sức bảo vệ cây hoa cúc vụ Tết bởi nếu không sẽ mất trắng. Tuy nhiên, dù đã phun nhiều loại thuốc BVTV nhưng vẫn không hiệu quả. “Trước mắt, chúng tôi nhổ bỏ những cây đang bị bệnh để tránh lây lan. Sau đó, tích cực dùng thuốc BVTT để giảm thiệt hại. Nếu không khống chế được dịch bệnh, gia đình tôi sẽ không có Tết” – ông Nguyễn Tàu, TP Đà Lạt, lo lắng.

Gây thiệt hại lớn

Đại diện Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt cho biết đã phát tờ rơi hướng dẫn tạm thời cách phòng trừ bệnh héo vàng sọc thân đang phổ biến tại các phường 8, 9, 11, 12 và xã Xuân Thọ…

Qua khảo sát, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, Phòng Kinh tế và Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt nhận định bệnh héo lá sọc thân có thể do virus. Ông Hồ Ngọc Dinh khuyến cáo: “Đây là dịch bệnh mới xuất hiện nhưng gây thiệt hại lớn. Trong khi chờ cơ quan chuyên môn, Trung tâm Nông nghiệp TP Đà Lạt đã khuyên người dân nên nhổ bỏ và tiêu hủy những vườn bị nhiễm bệnh để tránh lây lan, không ươm giống cúc trên khu vực đã nhiễm bệnh, phun các loại phân bón lá có chứa Ca, Mg, Fe, Zn…”.

Dừa tạo hình lạ đón Tết Mậu Tuất bị rụng trái hàng loạt

Bài viết mới