Trong một diễn tiến bất ngờ, Xiaomi đã quyết định chọn mức giá khởi điểm 17 HKD cho phiên IPO của mình. Như vậy, niềm hy vọng trở thành một trong những công ty IPO lớn nhất thế giới đã tiêu tan khi giá trị của Xiaomi khi “lên sàn” sẽ chỉ là 54 tỷ USD, chỉ khoảng một nửa so với mức hy vọng 100 tỷ USD được đặt ra ban đầu.
Có nhiều lý do đứng đằng sau bước ngoặt đáng buồn này của Xiaomi. Đầu tiên, cuộc chiến thương mại đang ngày một nóng lên giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền công nghiệp hi-tech thế giới. Tiếp đến, khoản thưởng bất ngờ lên tới 1,5 tỷ USD nhưng lại không đi kèm bất kỳ mục tiêu kinh doanh nào cho CEO Lei Jun đã khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Quan trọng nhất, thứ ngăn cản Xiaomi có một con số IPO “điên khùng” sẽ nằm ở chính những lo ngại về cách sống tương lai của công ty này.
Dù đã tiết kiệm khá nhiều chi phí bằng cách… copy, Xiaomi vẫn không thể thu lời từ smartphone.
Tại sao lại lo ngại ư? Mới gần đây, Lei Jun đã lên tiếng cam kết sẽ luôn giới hạn lợi nhuận chỉ ở mức 5% cho các sản phẩm phần cứng. Người hâm mộ hiển nhiên là nức lòng với tuyên bố này, song số liệu ước tính của India Today cho thấy từ trước đến nay tỷ suất lợi nhuận của Xiaomi mới chỉ đạt 1-2% cho từng sản phẩm. Chưa bao giờ Xiaomi dám hé lộ lợi nhuận, và khi buộc phải công bố để IPO, Xiaomi mới liên tiếp hé lộ những khoản lỗ to lớn.
Điều này có nghĩa rằng, “giới hạn” ở 5% nghe có vẻ là một bước đi mang tính vì người dùng, nhưng thực chất lại đang là một mục tiêu với Xiaomi.
Sống sót dài lâu
Đáng lo hơn nữa là mô hình của Xiaomi khó có thể duy trì lâu dài. Khi đặt ra “giới hạn” 5% lợi nhuận, Lei Jun khẳng định: “Bán số lượng lớn với tỷ suất lợi nhuận nhỏ sẽ đem lại lợi nhuận phần cứng phù hợp cho chúng ta về lâu về dài”.
Không phải lúc nào giá rẻ cũng có thể đánh đổi được thị phần: từ 2016, Lei Jun đã phải ém nhẹm doanh số bán ra mỗi năm.
Vấn đề là ở chẳng có gì đảm bảo cho Xiaomi duy trì được doanh số lâu dài cả. Năm 2014, Xiaomi bùng nổ và thậm chí còn chiếm vị trí số 1 Trung Quốc. Nhưng rồi trào lưu flash sale online mất dần sức hút, doanh số 2015 sụt hẳn 30 triệu máy so với mục tiêu. Doanh số 2016 bị ém nhẹm và 2017 dù có tăng trưởng trở lại nhưng vẫn không được công bố chính thức.
Ngay đến cả câu chuyện tăng trưởng của năm 2017 cũng không chỉ có màu hồng. CEO Lei Jun đã thực hiện một bước đi vô cùng đúng đắn là bành trướng mạng lưới bán lẻ qua các cửa hàng Mi Store/Mi Home tại Trung Quốc và Ấn Độ, song thứ hiển nhiên sẽ đi kèm với các cửa hàng vật lý sẽ là chi phí gia tăng đáng kể so với flash sale. Đó là còn chưa kể, Ấn Độ, thị trường có lẽ là quan trọng nhất với Xiaomi lúc này hiện tại vẫn đang tập trung chủ yếu vào phân khúc giá rẻ. Quý 1 vừa rồi, Xiaomi lỗ tới 1,1 tỷ USD.
Cùng lúc, Apple và Samsung vẫn cứ thu lợi nhuận hàng chục tỷ đô. Thị trường cũng đang ngày một tiến về phía trước khi người dùng vẫn cứ sẵn lòng bỏ ra các khoản tiền lớn hơn để mua điện thoại. Các đối thủ sẽ không đứng yên chờ đợi Xiaomi, và sự thật là nếu đã họ đang đè bẹp Xiaomi trên khía cạnh lợi nhuận – vốn luôn đi kèm với vị thế ở phân khúc cao cấp: trong quý 1, Apple thu lãi ròng gần 14 tỷ USD.
Trốn tránh thực tại
Chìa khóa sống sót cho Xiaomi: đốt tiền vào những mảng khác…
Trong vòng 2 năm vừa qua, lời giải của Lei Jun cho vấn đề này vẫn là… tránh thu lợi nhuận trên smartphone. Bên cạnh tuyên bố giới hạn biên lợi nhuận 5%, Lei Jun còn đẩy mạnh ra mắt một hệ sinh thái sản phẩm – vốn là các sản phẩm do bên thứ 3 sản xuất nhưng được đứng tên Xiaomi. Nỗ lực dịch vụ Internet cũng được đẩy mạnh, và hiện tại đang chiếm tới 40% lợi nhuận hoạt động cho công ty.
Song cả 2 con đường này đều bấp bênh. Xiaomi có thể bán được các dịch vụ Internet đi kèm smartphone Mi là bởi chính quyền Trung Quốc hiện tại vẫn đang đóng cửa với các công ty nước ngoài như Facebook hay Google. Tại các sân chơi như Ấn Độ hay châu Âu, Xiaomi không hề có lợi thế nào cả. Còn với các sản phẩm thuộc “hệ sinh thái”, Xiaomi vẫn luôn chạy theo mô hình giá rẻ – lợi nhuận hoạt động ở đây sẽ phải chia sẻ cho cả các công ty nhượng quyền.
Và, sau tất cả, Xiaomi cũng vẫn là một công ty smartphone. Hiện tại, những chiếc Mi đang đem chiếm tới 70% lợi nhuận của Xiaomi. Có cố gắng phủ nhận đến mấy, cuối cùng số phận của Tiểu Mễ vẫn thuộc về những chiếc smartphone “lãi hẻo”.
…nhưng cuối cùng thì Xiaomi vẫn chỉ sống bằng những chiếc smartphone có thiết kế “học hỏi” và giá bán rẻ như cho không.
Nếu tính tỷ suất giá trị công ty/lợi nhuận hoạt động, Xiaomi đứng ở mốc 37 trong khi Apple đạt 14.5. Điều đó có nghĩa rằng, Xiaomi thực sự mong manh và còn lâu mới có thể đạt đến đẳng cấp “gà đẻ trứng vàng” như Apple. Dù ai có nói ngược nói xuôi, thực tế là Apple vẫn đều đặn mang về doanh thu và lợi nhuận “khủng” qua mỗi quý.
Tất cả mọi thứ đều cho thấy Xiaomi đang cực kỳ mong manh. Đến cả Seeking Alpha, tổ chức thông tin hàng đầu của giới tài chính còn phải tuyên bố “mua cổ phiếu Xiaomi chẳng khác gì đánh bạc”. Đúng vậy, IPO ở mức 54 tỷ USD không phải là tầm thường, doanh số đứng top 5 cũng không tầm thường chút nào hết.
Nhưng cái giá để đạt được những thành tựu ấy có quá đắt hay không? Hãy chờ xem Xiaomi có thể trụ vững thêm bao lâu nữa.