Xem xét chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT

Sửa đổi do bất cập, tháo gỡ khó khăn cho DN

Việc xây dựng dự án Luật trên nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu NSNN; thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một trong những thay đổi sẽ có tác động lớn là về thuế GTGT. Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện, Luật thuế GTGT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế.

Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Một số hàng hóa dịch vụ (nước sạch; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim…) đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%.

Việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như: Lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học… dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.

Đối với hoàn thuế GTGT, quy định không hoàn thuế đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” phức tạp trong thực hiện và cùng với quy định không hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào lũy kế âm liên tục qua nhiều kỳ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn do tăng chi phí thuế.

Tăng thuế suất thuế GTGT thông thường lên 12%

Để khắc phục những tồn tại trên, dự án Luật tập trung sửa đổi 7 nội dung liên quan đến thuế GTGT. Trong đó, 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, 3 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TƯ.

Cụ thể, xem xét chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT.

Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào cũng được quy định lại là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

Đặc biệt, nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế sẽ được giảm bớt bên cạnh việc nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.

Sáng nay 15/8, Bộ Tài chính đã báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân và thuế Tài nguyên tại cuộc họp giao ban Ban Tuyên giáo Trung ương.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính sẽ công bố dự án Luật này tới báo chí, truyền thông.

Dự án Luật này dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9/2017 để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhan nhản phân bón giả, kém chất lượng ở ĐBSCL

Bài viết mới