Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Sợi chỉ đỏ cho lãnh đạo và nhân viên

Chuyên nghiệp và tử tế hay “tạo nguồn nước tốt để cá bơi” là một số trong nhiều phương châm được các ông chủ Việt Nam chọn lựa để hình thành nếp văn hoá cho doanh nghiệp mình.

Mỗi doanh nghiệp đều có văn hoá của riêng mình nhưng để văn hóa doanh nghiệp đóng góp lớn vào hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh lại không phải điều đơn giản.

Văn hóa doanh nghiệp phù hợp có thể tác động trực tiếp làm tăng kết quả kinh doanh một cách rõ ràng, giúp nhân viên gắn kết, khách hàng trung thành, hay đem về sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp theo thời gian.

6 giá trị cốt lõi nhân viên cần phải có

Với ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thế giới di động, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình và không thể định lượng số tiền phải chi mỗi năm cho khoản này mà chỉ biết rằng văn hoá doanh nghiệp phải là sự tự điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên trong doanh nghiệp, không cần đến các chế tài.

Theo ông, nếu doanh nghiệp phải cần đến quá nhiều các chế tài để giám sát nhân viên thì đó chỉ là văn hoá “ảo”, không thực sự tồn tại và nó sẽ nhanh chóng mất đi khi không có sự quản lý của người đứng đầu.

Từ quan điểm đó, ông chủ Thế giới di động đặt ra 6 giá trị mong muốn ở nhân viên.

Thứ nhất, tận tâm với khách hàng, đó là những người mang lại doanh thu, lợi nhuận, công ăn việc làm cho công ty.

Giá trị thứ hai là trung thực vì không có giá trị này hệ thống bán lẻ gồm 1.800 cửa hàng khắp đất nước không thể tồn tại được.

Thứ ba là “nói gì làm nấy” tức là phải giữ chữ tín.

Điều thứ tư là nhận trách nhiệm. Theo ông Tài, giá trị sẽ giúp loại bỏ tình trạng tìm cách bao biện cho vấn đề, thay vào đó, nhân viên sẽ hành động để tạo kết quả mới.

Thứ năm là yêu thương hỗ trợ đồng đội. Đây là giá trị mới, được đưa vào từ hai năm nay.

Thứ sáu là “máu lửa” trong công việc, điều này là rất cần thiết trong ngành bán lẻ luôn năng động, khách hàng thay đổi và đi lên không ngừng.

Để đưa ra bộ 6 chuẩn mực cho nhân viên, ông Tài cho biết mình đã phải đánh đổi không ít, đó là tình trạng nhiều người rất xuất sắc đã rời khỏi công ty do bất đồng văn hóa.

“Thế giới di động ngày xưa có chuẩn mực làm việc nhóm (teamwork), nhưng vì mục tiêu kinh doanh tăng trưởng quá nhanh mà nó chuyển biến thành văn hóa đập bàn đập ghế chỉ trích nhau. Tôi không muốn điều đó, tôi muốn họ hỗ trợ nhau và từ đó tôi đưa ra giá trị thứ năm”, ông chủ Thế giới di động chia sẻ.

Tựu trung lại, theo ông Tài, điều quan trọng nhất là lãnh đạo phải luôn luôn làm gương đối với nhân viên của mình. “Bạn không thể tạo ra văn hóa để rồi tự mình phá vỡ nó. Mọi thứ xây dựng dẫu có lâu đến đâu cũng sẽ trôi sông trôi biển”, ông Tài nhấn mạnh.

Từ những điều bình dị

Từ thung lũng Silicon của nước Mỹ, ông Nguyễn Thanh Mỹ trở về quê hương Trà Vinh và sáng lập Tập đoàn Mỹ Lan Group – một trong những doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam hiện nay – ngay giữa vùng quê lạc hậu.

“Để làm được điều đó, tất cả các nhân viên trong công ty đều phải nắm vững văn hóa doanh nghiệp của Mỹ Lan”, ông Mỹ khẳng định.

Văn hóa đó được chính ông gây dựng và hướng nhân viên làm theo. Do đó, ông cố gắng xây dựng Mỹ Lan thành một công ty đáng mơ ước tại Trà Vinh và nó là đích đến của mọi người. Khi là mục tiêu của họ, họ sẽ tự hướng mình theo văn hóa mà tôi mong muốn.

Với ông Mỹ, để hình thành văn hóa của một tập thể trước hết phải thay đổi thói quen rất bình dị của mỗi cá nhân ngay cả từ việc đi toilet.

Còn với ông Phan Văn Trường, nguyên Chủ tịch Alsthom châu Á: “Để xây dựng văn hóa ở những “khủng long”, bạn phải thật độc tài”.

Lý giải rõ hơn về chữ “độc tài” này, ông Trường cho biết, Alsthom là một tập thể đa quốc gia với những người xuất sắc hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của họ. Do đó, người chủ doanh nghiệp sẽ không thể “trị” được những con người này nếu không thể thuyết phục được họ”.

Với lý lẽ đó, ông Trường đã cùng đội ngũ của mình bắt tay xây dựng văn hóa cho công ty, bắt đầu từ cấp quản lý lan rộng ra từng nhân viên với 2 chuẩn mực Professional và Nice – chuyên nghiệp và tử tế.

Điều này đã đem lại hiệu quả rất nhanh chóng, ông Trường cho biết, khi bạn làm việc với những con người hàng đầu thế giới, nếu bạn thuyết phục được họ thì mọi thứ sẽ ngay lập tức được thực hiện dù có độ trễ khoảng 1 đến 2 tuần.

“Mỗi thứ bạn chỉ cần chuyên nghiệp hơn một chút, vậy là bạn đã vượt xa đối thủ xét về tổng thể. Chính điều này khiến cho Alsthom của tôi đánh bại các đối thủ “nặng ký” để giành được các hợp đồng lớn”, ông Trường chia sẻ.

Sau Tết, nhiều doanh nghiệp lao đao tìm lao động

Bài viết mới