Xăng tăng 5 lần, kịch bản giá 2018 sẽ tăng theo

Trở lại thời điểm giá xăng cao nhất là trên dưới 25.000 đồng/lít hồi năm 2015, mức giá tương đương hiện tại báo hiệu tốc độ tăng giá chóng mặt của nhiều mặt hàng thiết yếu.

Giới vận tải rục rịch họp bàn tăng giá

Sau vài đợt tăng giá xăng, xu hướng thị trường đang có nhiều dấu hiệu tăng giá nhiều mặt hàng. Ở kỳ tăng giá xăng lần gần nhất, nhiều doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp taxi, vận tải đã rục rịch lên kế hoạch tăng giá để bù chi phí. Tuy nhiên, do sức ép cạnh tranh nên các doanh nghiệp đang cố gắng gồng mình “kìm” lại chưa dám tăng giá dịch vụ hay sản phẩm.

Rõ ràng, giá xăng tăng đang vượt ngưỡng cầm cự của các doanh nghiệp khi chi phí sản xuất tăng, sức mua thị trường thấp, nếu không đủ tiềm lực tài chính dĩ nhiên các doanh nghiệp sẽ phải tăng giá để đảm bảo hoạt động. Bài toán đó tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn và chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Đối tượng chịu tác động trực tiếp, dễ nhận thấy nhất của việc tăng giá xăng là các đơn vị kinh doanh vận tải, taxi. Trao đổi với báo Lao Động ngày 20.9, Chủ tịch HĐQT Taxi Thành Công, ông Nguyễn Anh Quân cho biết sẽ tiến hành họp bàn với một số DN taxi khác để tính phương án tăng giá cước bởi sau 5 lần tăng giá, mức tăng giá xăng đã đến mức phải xem xét điều chỉnh cước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể sẽ được tính toán và công bố nếu có trong vài ngày tới vì giá xăng vừa mới tăng.

Cùng quan điểm, lãnh đạo một hãng xe taxi khác cho biết sẽ phải tính đến việc tăng giá cước. Tuy nhiên, do chi phí điều chỉnh cước cũng như thủ tục khá phức tạp nên DN “không thể xăng tăng là tăng cước luôn nhưng với mức tăng hiện nay, việc điều chỉnh cước là khó tránh” – đại diện này chia sẻ và dự đoán giá cước có thể sẽ tăng khoảng 500 đồng nhưng thời điểm tăng phụ thuộc vào sức chịu đựng của từng DN vì hiện nay các DN taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn trong công cuộc cạnh tranh với Uber, Grab.

Còn theo ông N.Thắng – lãnh đạo một công ty logistic lớn – hiện giá xăng đã tăng hơn 10% so với lần điều chỉnh trước nên một số hợp đồng vận chuyển với các đối tác lớn đã tự động tăng cước.

Lý giải về điều này, ông Thắng cho biết trong các hợp đồng logistic với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đều ghi rõ điều khoản khi giá nhiên liệu tăng 7% thì giá cước sẽ tăng lên 3%. Do đó, sau 5 lần điều chỉnh, giá xăng hiện đã tăng vượt mức theo hợp đồng nên giá cước vận chuyển hàng hoá sẽ tự động điều chỉnh. Còn với khách lẻ, ông Thắng cho biết mức tăng của giá cước sẽ phụ thuộc vào sự thương thảo của hai bên nhưng chi phí đầu vào tăng thì cước tăng là tất yếu.

Chưa kịp tính đến chuyện tăng cước nhưng anh T.Tuấn – chủ doanh nghiệp vận tải tuyến Hà Nội – Thái Bình cho biết rất đau đầu vì chi phí tăng cao theo giá xăng.

“Mỗi lần xăng, dầu chỉ tăng vài trăm đồng/lít nhưng sau gần 3 tháng, mức tăng đã hơn 1.700 đồng/lít và đẩy chi phí của DN lên cao trong khi khách thì ít lại thêm phí BOT khiến DN khó càng thêm khó”.

Hàng thiết yếu cũng sẽ tăng giá theo

Trong khi đó, ngay chiều 20.9, ghi nhận tại một số điểm chợ, các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt, cá… vẫn chưa có hiện tượng biến động theo chiều hướng tăng giá. Tuy nhiên, các tiểu thương nhận định “sau mỗi bận tăng giá xăng, việc buôn bán đều có xu hướng khó khăn hơn ít nhiều, có thể do tâm lý của khách hàng muốn tiết kiệm hơn.

Ngoài ra, vì phí vận chuyển tăng nên nếu có tăng giá thì rõ rệt nhất là giá thịt, cá” – chị Vũ Hoài – một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết.

Chủ trang trại chăn nuôi đàn lợn hàng nghìn con tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Chiểu tỏ ra lo lắng khi chia sẻ cùng Lao Động: “Trong khi chi phí chăn nuôi đắt đỏ nhưng giá lợn hơi trên thị trường chỉ ở mức khoảng 30 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi đang thua lỗ. Việc tăng giá xăng chắc chắn sẽ khiến chi phí chăn nuôi tăng thêm, những người chăn nuôi càng thua lỗ.

Điều đáng buồn là giá thịt trên thị trường chắc chắn sẽ tăng, nhưng giá lợn hơi vẫn khó có cơ hội nhích lên bởi thị trường không khan hiếm lợn. Như vậy, việc tăng giá xăng sẽ tạo “cớ” cho thương lái “tát nước theo mưa” để móc túi người tiêu dùng”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng nhận định: “Hiện tại chưa thấy tăng giá mạnh nhưng chắc chắn với ngưỡng này các doanh nghiệp cả vận tải và sản xuất sẽ phải tính tới chuyện tăng giá. Bởi thường mỗi lần tăng giá xăng thì hàng hóa lưu thông chắc chắn tăng giá theo với lý do phí vận chuyển tăng, người mua sẽ gặp khó khăn.

Đặc biệt thường mỗi khi xăng tăng không quá cao, để giữ ổn định người ta không tăng giá các mặt hàng ngay mà tăng chút xíu, chút xíu một từng mặt hàng nhỏ, rất khó nhận biết, kéo theo một chuỗi các sản phẩm tăng giá tạo thành xu hướng tăng.

Thứ hai là với xu hướng xăng tăng liên tục, các doanh nghiệp sẽ phải hạch toán lại kế hoạch kinh doanh năm 2018. Như vậy có thể dự báo xu hướng kịch bản tăng giá của năm hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài các doanh nghiệp vận tải, đối tượng tiếp theo chịu tác động mạnh do giá xăng dầu tăng là các doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị chạy bằng xăng, các doanh nghiệp khai thác hải sản bằng tàu đánh cá”.

Giá xăng tăng lần thứ 5 liên tiếp, vượt mức 18.000 đồng/lít

Bài viết mới