Xâm nhập thế giới bitcoin tại VN: Quay cuồng với những chiêu trò thật – ảo

Trong khi đồng tiền ảo bitcoin đang trở thành cơn sốt mê dụ các nhà đầu tư bất chấp những hệ lụy có thể xảy ra thì cơ quan chức năng đang rất bối rối khi đã có doanh nghiệp nhập khẩu 1.500 bộ máy “đào” bitcoin.

Phóng viên Lao Động tìm cách xâm nhập vào “thế giới bitcoin” tại Việt Nam để tìm hiểu tại sao bitcoin đầy hấp dẫn nhưng cũng không ít rủi ro.

Giao dịch dựa trên niềm tin là chính

“Cơn điên” bitcoin đang sôi sục trên thế giới, kẻ nói bitcoin là mỏ vàng, người kêu đầu tư bitcoin là đánh bạc. Trao đổi với PV báo Lao Động, anh V – một nhà đầu tư bitcoine (xin được giấu tên) ở Hà Nội – cười: “Ai cũng nói là bong bóng sắp nổ. Khi tôi đầu tư, lúc đó 1 bitcoin = 5.000USD, mọi người đều can ngăn nói mức giá đó là đỉnh rồi. Vậy mà giờ 1 bitcoin xấp xỉ 19.500USD mà vẫn còn lên tiếp”. Vừa nói chuyện, anh V lướt tay thoăn thoắt trên di động để xem tỉ giá bitcoin biến động ra sao.

Trong vai một “lính mới” muốn chơi bitcoin, phóng viên được anh V giới thiệu về sàn Remi… Để có thể bắt đầu giao dịch mua bán bitcoin, người chơi cần tải app Remi… vào di động và làm theo các hướng dẫn để đăng ký giao dịch. Mọi giao dịch đều là ẩn danh dưới nick ảo, người bán, người mua và cả admin đều không hề lộ diện.

Anh V cho biết: “Ở Việt Nam cũng có vài sàn giao dịch bitcoin chui, nhưng mấy sàn ít nhà đầu tư, chơi trên Remi… là sàn quốc tế nên tính thanh khoản cao hơn, muốn mua bán là được ngay”.

Để trở thành thành viên giao dịch mua bán được trên Remi… nhà đầu tư phải trải qua 4 bước xác thực thông tin như tải ảnh ID, có thể là CMND; Nhà đầu tư phải chụp ảnh đang cầm ID chụp cùng khuôn mặt; đặt ID lên tờ giấy có dòng chữ “Remitano Verification” và chụp lại. Tải ảnh tài liệu có mang tên nhà đầu tư (không trùng với ảnh ở bước 1) như: CMND, hộ chiếu, giấy phép lái xe, giấy bảo hiểm, hộ khẩu, hoá đơn. Sau đó sàn Remi… sẽ yêu cầu nhà đầu tư xác thực bằng số điện thoại

Theo chị T (Hà Nội), hiện có vài cách chơi bitcoin chủ yếu: M ột là trader (nhà đầu tư); hai là chơi bitcoin lending (đầu tư vào các dự án lending nhận lãi suất khủng 30-40%/tháng); ba là đào bitcoin. Tuy nhiên ở Việt Nam phổ biến nhất là mua bitcoin để mua bán kiểu lướt sóng và đầu tư lending.

Chị T cho biết: “Thực tế mọi giao dịch đều dựa trên niềm tin là chính, sàn Remi… khá uy tín và có ưu điểm là phản hồi rất nhanh khi các nhà đầu tư gặp trục trặc trong giao dịch, họ sẽ lập tức liên lạc với người bán và phong toả tài khoản bitcoin nếu người bán cố tình lừa đảo”.

Tìm hiểu sâu về dân chơi bitcoin, nhà đầu tư còn nhận tiền hoa hồng nếu giới thiệu được thêm người chơi đến sàn Remi.. Cụ thể, sàn này quảng cáo “nếu người bạn giới thiệu giao dịch đủ 2 BTC bạn sẽ nhận được 0.01 BTC trực tiếp vào tài khoản của bạn tại Remitano, mỗi người giới thiệu giao dịch đủ số lượng, bạn chỉ nhận được hoa hồng 1 lần duy nhất”.

Chị T cho biết: “Hiện giờ giá trị đồng bitcoin khá lớn nên các nhà đầu tư không quá hào hứng mua bitcoin, họ sẽ đầu tư dạng lending vào các đồng tiền kỹ thuật số mới ra đời. Chỉ cần 3-5 triệu đồng là có thể chơi được. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay việc chơi bitcoin dạng lending nhiều khi bị biến tướng thành dạng như bán hàng đa cấp”.

Dễ dàng mua bitcoin bằng tiền mặt qua máy ATM

Với mức giá đang trên đà tăng “điên dại” như hiện nay thì bitcoin đang được người Việt quan tâm nhiều hơn bao giờ hết. Ngoài những sàn giao dịch điện tử thì bitcoin còn được giao dịch trực tiếp thông qua các cây ATM.

Tại TPHCM, những cây ATM này được xuất hiện bên trong của những quán càphê, tiệm ăn. Riêng ở khu vực TPHCM hiện có 4 cây ATM như vậy tồn tại. Đa phần những quán này trước đây có niêm yết giá các sản phẩm và sử dụng nó như phương tiện thanh toán.

Nhưng kể từ lúc Nhà nước có quy định về việc phạt tiền hành vi này thì các cửa hàng này chỉ thực hiện mua bán bitcoin bằng tiền mặt. Khi được hỏi liệu việc mua bán này có phạm pháp hay không thì nhân viên ở những điểm đặt máy đều cho biết họ không niêm yết giá sản phẩm bằng bitcoin, còn dùng tiền mặt mua bitcoin thì giống như mua một loại hàng hóa và vẫn chưa thấy có quy định cấm thì họ cứ bán.

Trao đổi với phóng viên, đại diện đơn vị quản lý một cây ATM bitcoin trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM cho biết: “Công ty đã hoạt động từ cuối năm 2013 tới giờ và chưa bao giờ bị gián đoạn hoạt động vì lý do pháp luật. Chúng tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ về luật từ lúc xây dựng công ty tới giờ và xin khẳng định toàn bộ hệ thống bao gồm 3 máy bitcoin ATM tại TPHCM và Hà Nội sẽ hoàn toàn hoạt động bình thường qua ngày 1.1.2018” – đại diện công ty này cho biết.

Hiện tại, một số cây ATM bitcoin chỉ cho phép mua chứ không cho bán. Tuy nhiên ở những khu vực đông đúc người giao dịch các cây này có thể thực hiện cả mua và bán. Những giao dịch này thường không mất phí tuy nhiên tỉ giá bitcoin/VNĐ tại các cây ATM này đắt hơn giá thị trường khá nhiều, khoảng 10%.

Một cây ATM bitcoin đặt tại quán càphê ở TPHCM.

Nhập khẩu ồ ạt máy đào bitcoin: cơ quan chức năng bối rối

Giá trị đồng bitcoin và một số đồng tiền ảo đang nhảy múa hằng ngày với giá trị tăng cao đang khiến cho việc nhập khẩu mặt hàng máy tính xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin, litecoin (máy đào bitcoin) có dấu hiệu gia tăng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gần đây bắt đầu nhập lượng lớn máy tính nhằm xử lý dữ liệu tự động giải mã bitcoin. Đơn cử như tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TPHCM), tính đến 31.10.2017 đã tiếp nhận đăng ký 98 tờ khai nhập khẩu với số lượng 1.478 bộ. Doanh nghiệp nhập khẩu là các công ty và một số cá nhân, tổ chức không có mã số thuế.

Trên thực tế, để sử dụng được bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác thì cần phải có phương tiện là máy xử lý dữ liệu tự động khai thác tiền ảo trên mạng. Tuy nhiên, khi làm thủ tục nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân chỉ khai báo là máy xử lý dữ liệu tự động sử dụng cho việc giải mã, đào tiền ảo nên cơ quan hải quan không thể xác định được hệ thống máy này có được sử dụng cho mục đích thanh toán hay không?

Theo giải thích của các doanh nghiệp nhập máy tính xử lý dữ liệu, máy đào bitcoin là máy xử lý dữ liệu tự động, nhà sản xuất Bitmain, Antminer L3+ được lắp đặt từ chip đồ họa để phục vụ chính cho việc giải mã hệ thống chuỗi SHA256 (thị trường gọi đặc trưng là bitcoin). Máy này có thể tách ra ghép vào các máy tính chạy đồ họa thông thường, các máy này được Bitmain gia công riêng thay vì ghép bởi các card màn hình (VGA) như ở Việt Nam. Về phía Cơ quan Hải quan lo ngại có thể các tổ chức, cá nhân sử dụng như một phương tiện thanh toán bất hợp pháp tại Việt Nam.

Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đã từng có văn bản đề nghị các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương có ý kiến về vấn đề này. Tổng cục Hải quan thừa nhận, mặt hàng này “chưa được định danh cụ thể” nếu căn cứ Danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về việc nhập khẩu mặt hàng máy xử lý dữ liệu tự động giải mã, khai thác tiền ảo trên mạng, đồng thời sớm có hướng dẫn quản lý chuyên ngành đối với việc nhập khẩu mặt hàng này.

Từ 1.1.2018 mua bán tiền ảo sẽ bị xử lý hình sự

Từ ngày 1.1.2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 – 200 triệu đồng.

Chủ động quản lý bitcoin, tránh các tác động xấu

Bài viết mới