World Cup đi qua, nỗi đau ở lại: Sân vận động 300 triệu USD trở thành “đồ thừa” sau 4 trận đấu

Để chuẩn bị cho World Cup 2014, Brazil đã chi hơn 3 tỷ USD để xây dựng các sân vận động. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều sân trong số đó đang trở nên thừa thãi và điển hình nhất là sân Arena da Amazonia ở thành phố Manaus. Do nằm giữa rừng già Amazon nên Manaus là một trong những nơi rất khó đến.

Người ta mất tới 4 năm để xây dựng sân vận động này. Theo tính toán, nó ngốn tới 300 triệu USD của chính phủ Brazil. Không những vậy, có 3 công nhân đã chết trong quá trình xây dựng sân vận động hoành tráng này.

Đây là một trong 12 sân vận động được Brazil xây mới phục vụ cho World Cup 2014. Tuy nhiên, Arena da Amazonia chỉ được dùng cho 4 trận đấu ở World Cup. 2 năm sau, người ta tiếp tục dùng nó cho vài trận đấu ở Olympics 2016.

Ở thời điểm hiện tại, sân vận động này gần như vô dụng. Manaus là thành phố đông dân thứ 7 của Brazil. Arena da Amazonia có sức chứa 40.000 người. Tuy nhiên, những trận đấu bóng tầm cỡ địa phương chỉ kéo được khoảng 1.000 người tới sân.

Trong 4 tháng đầu năm 2016, sân này mang về 180.000 USD từ các hoạt động. Tuy nhiên, chi phí vận hành của nó là 560.000 USD, cao gấp 3 lần so với số tiền thu lại.

Arena da Amazonia là một trong những ví dụ điển hình cho những công trình thể thao quy mô bị bỏ rơi sau những sự kiện lớn. Nó không phải sân vận động đầu tiên và có lẽ cũng chưa phải công trình cuối cùng rơi vào tình cảnh này.

Ngay chính tại Brazil, Garrincha, sân vận động mang tên một huyền thoại bóng đá Brazil – nơi tổ chức 7 trận đấu World Cup 2014 – cũng rơi vào cảnh tương tự. Năm 2013, Brazil đã chi tới hàng trăm triệu USD để nâng cấp Garrincha, biến nó thành sân vận động hiện đại nhất đất nước với 73.000 chỗ ngồi.

Khác với Arena da Amazonia, Garrincha nằm giữa thủ đô Brasilia với dân số 2,5 triệu người. Tuy nhiên, chẳng đội bóng lớn nào chọn đây làm sân nhà. Hai đội bóng mạnh nhất của thành phố này cũng chưa được chơi ở giải hạng nhất của Brazil. Chính vì thế, hình ảnh sân vận động hiện đại thường xuyên vắng người là điều đã rất quen thuộc trong 4 năm qua.

Lịch sử đã cho thấy, xây dựng một sân vận động phục vụ World Cup sẽ ngốn những chi phí khổng lồ. Tuy nhiên, ngoài sự ồn ã, náo nhiệt và hào nhoáng sau vài trận đấu, chúng kéo theo nhiều nỗi buồn như sự lãng phí tiền bạc, tương lai hoang phế và cả những tính mạng con người trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, các quốc gia vẫn đổ tiền núi để xây dựng những công trình như thế để phục vụ nhiều mục đích khác nhau, trong đó có xây dựng hình ảnh quốc gia và quảng bá đất nước tới cả thế giới. Dẫu vậy, việc lãng phí luôn để lại nỗi đau kéo dài tới nền kinh tế, thậm chí còn tạo ra những cơn địa chấn trên chính trường. Trong khi đó, người dân có lẽ sẽ tiếp tục phải sống chật vật chỉ vì niềm tự hào đó.

[Case Study] World Cup – Sự kiện “lỗ” nhất thế giới? Chi phí cao, rủi ro nhiều, chỉ có FIFA là “hốt bạc”

Bài viết mới