Vượt qua nỗi sợ hãi, thị trường sẽ sớm kết thúc điều chỉnh và “tấn công” đỉnh lịch sử 1.170 điểm?

Trong suốt 2 tuần qua, TTCK Việt Nam đã chứng kiến sự điều chỉnh mạnh. Vn-index đã mất đi gần 70 điểm. Nhiều mã cổ phiếu đã giảm 10-15%. Điều gì đang xảy ra trên thị trường? Liệu thị trường có tiếp tục điều chỉnh hay đây là cơ hội để mua được cổ phiếu tốt? Chúng tôi xin giới thiệu những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán SHS.

Ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán SHS

Ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán SHS

Thị trường đang lo sợ điều gì?

Sau khi đạt điểm số 970 điểm vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12, thị trường đã chứng kiến một đợt giảm điểm rất mạnh. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân giảm điểm, chúng ta nên nhìn nhận cho đúng hơn giai đoạn tăng điểm trước đó.

Sau một thời gian tích lũy khá lâu ở quanh mốc 800, Vn-index đã có cú bứt phá mạnh mẽ. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, chỉ số chứng khoán đã tăng 170 điểm, tương đương 20%. Nếu xét yếu tố lịch sử, đây là một trong những giai đoạn thăng hoa nhất của thị trường. Tuy nhiên, sự tăng điểm này lại không làm đa số “hạnh phúc”. Gần như toàn bộ được gánh vác bởi các trụ cột như SAB, VNM, VCB, VIC, MSN. Dòng tiền được dẫn dắt bởi khối ngoại, tập trung vào các Bluechips. Cho dù điểm số có tăng hơn 100 điểm, nhưng danh mục của nhiều NĐT cá nhân lại đi theo chiều ngược lại.

Sau giai đoạn kéo chỉ số, bắt đầu nhen nhóm dấu hiệu dòng tiền lan tỏa sang các mã Midcap và một số Penny có cơ bản tốt. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, thị trường lại bước ngay vào đợt điều chỉnh. Có thể kể đến 5 nguyên nhân chính yếu như sau:

Thứ nhất, vấn đề Margin. Qui mô thị trường tăng quá nhanh, nhiều mã mới chào sàn, cũng như thanh khoản tăng cao, dòng tiền của nhiều NĐT đổ vào thị trường. Cho dù cho vay ở tỷ lệ thấp, rất an toàn, nhưng sự chênh lệch vốn đối ứng giữa các CTCK và dòng tiền “thật” của thị trường đã làm các CTCK căng thẳng. Mặt khác, thời điểm cuối năm cũng cận kề, rất nhiều CTCK phải làm báo cáo, giảm bớt các khoản cho vay 3 bên.

Thứ hai, bất ổn do tin đồn. Cứ mỗi khi có tin khởi tố nào đó, thị trường lại rộ lên các tin đồn khác nhau. Không loại trừ yếu tố “mượn gió bẻ măng” của một số thành viên thị trường để phục vụ mục đích giảm bớt căng thẳng Margin, nhằm mục đích mua hàng với giá thấp hơn.

Thứ ba, tâm lý cuối năm. Thời điểm cuối năm cũng tác động đến tâm lý muốn nghỉ ngơi sau 1 năm “chinh chiến” của nhiều NĐT. Ngoài ra, đợt review ETF cũng đang diễn ra. Theo thống kê 2 năm gần đây, TTCK luôn giảm điểm trong các đợt Review này.

Thứ tư, nghi ngại vào thành công của các đợt thoái vốn lớn. Sự thất bại của phiên đấu giá bán cổ phần tại Vinaconex (VCG) của SCIC, cũng như nhiều thông tin trái chiều liên quan đến Sabeco, đã làm ảnh hưởng đến quyết định của nhiều NĐT. Cho dù dòng tiền không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng sự thành bại của đấu giá SAB là kim chỉ nam cho thị trường.

Thứ năm, dòng tiền bị phân tán. Việc biến động của đồng Bitcoin, cũng như một số đồng tiền ảo khác cũng làm dòng tiền bị phân tán ít nhiều. Bên cạnh đó, sản phẩm phái sinh dù mới ra đời, nhưng cũng thu hút được một số NĐT nhất định.

Kết luận lại, tại thời điểm cuối năm, nhiều yếu tố đang tác động tiêu cực đến tâm lý đầu tư của một bộ phận NĐT trên thị trường. Nguyên nhân giảm giá đã rõ, vấn đề còn lại là định hướng thị trường sẽ như thế nào?

Thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng?

Nếu phân tích kỹ 5 nguyên nhân làm thị trường giảm điểm, chúng ta có thể nhận thấy hầu hết chỉ là yếu tố tâm lý. Chứng khoán cũng như cuộc sống, niềm tin là điều cao quí. Bạn luôn sẵn lòng làm mọi điều khi còn niềm tin. Nếu thị trường còn tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, còn tin tưởng vào những chính sách hỗ trợ của chính phủ, thì tâm lý tích cực sẽ quay trở lại mau chóng.

Có 3 lý do để chúng ta tin tưởng vào Chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, sự quyết tâm trong điều hành vĩ mô. Dư âm của APEC vẫn còn đó, hình ảnh và vị thế của Việt Nam đã lôi kéo dòng tiền của giới đầu tư nước ngoài. Những cuộc bán vốn cổ phần lớn sẽ được nhiều tổ chức nước ngoài quan tâm, tham gia. Ông Nguyễn Hồng Điệp tin rằng cuộc đấu giá Sabeco sẽ thành công, và là tiền đề để có những cuộc bán vốn “tỷ đô” sau này. Về khía cạnh trong nước, mục tiêu GDP, tăng trưởng tín dụng vẫn đang được ưu tiên. Trong lúc này, rất khó để có những “liệu pháp sốc”.

Thứ hai, chứng khoán là kênh đầu tư số 1. Cho dù các hoạt động “chào mời” từ BĐS, từ “tiền ảo” đang diễn ra rầm rộ, nhưng nếu so sánh về mức độ sinh lời trong tương lai, không thể so sánh với Chứng khoán. Đặc biệt, theo ông Hồng Điệp, “tiền ảo” chỉ là kênh đầu cơ mang tính rủi ro rất cao.

Thứ ba, dòng tiền lớn sẽ đổ vào chứng khoán. Việc khó khăn của dòng tiền trong lúc này chỉ mang tính thời điểm. Sang năm 2018, một loạt các CTCK đã có kế hoạch để nâng vốn, thêm nguồn tài trợ cho NĐT. Bên cạnh đó, năm 2018 là năm bản lề cho việc nâng hạng của TTCK Việt Nam. Thanh khoản thị trường sẽ được giữ vững.

Với những phân tích như trên, ông Nguyễn Hồng Điệp tin rằng giai đoạn thị trường điều chỉnh sắp kết thúc. Chứng khoán Việt Nam sẽ kết thúc năm 2017 với gam màu hồng tươi sáng. Ngưỡng tâm lý 1.000 điểm sẽ không phải là điều không thể vượt qua. Xa hơn nữa, đỉnh lịch sử 1.170 sẽ bị phá trong nửa đầu của năm 2018.

“Soi” các yếu tố có thể đẩy VN-Index lên vùng đỉnh mới vào năm 2018

Bài viết mới