Vượt mốc 2 tỷ USD, nhập khẩu ôtô năm 2017 vẫn giảm

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính đã có khoảng 94.000 ôtô nguyên chiếc (CBU) được nhập khẩu về nước trong cả năm 2017, đạt giá trị kim ngạch hơn 2,15 tỷ USD.

Trong đó, tính riêng tháng cuối năm, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU đạt khoảng 1.000 chiếc và 273 triệu USD, vượt khá xa so với các tháng trước đó. Chính cú hồi phục của tháng 12 đã giúp kéo tổng kim ngạch của cả năm đến gần hơn so với năm 2016.

Như vậy, so với năm 2016, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU năm 2017 đã giảm đến 16,8% về lượng và giảm 9,6% về giá trị.

Cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU năm 2016 đạt đến 115.000 chiếc về lượng và hơn 2,32 tỷ USD.

Nhìn lại cả năm 2017 có thể thấy khá rõ những bất ổn. Đáng chú ý là vào giai đoạn đầu năm, sau khi thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước thuộc khối ASEAN giảm về 30%, kim ngạch nhập khẩu ôtô đã liên tiếp duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, đến giai đoạn nửa cuối năm, kim ngạch nhập khẩu đã rơi vào trạng thái trồi sụt ở các mức thấp xét cả về lượng lẫn giá trị.

Những bất ổn của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU năm 2017 cũng phản ảnh khá rõ diễn biến của thị trường.

Sự sụt giảm của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU năm vừa qua đã chỉ ra một nghịch lý. Thị trường ôtô nhập khẩu năm 2017 đã được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu xe mang xuất xứ Đông Nam Á giảm 10% (xuống còn 30%) và thuế nhập khẩu xe từ các nước nằm trong sự điều chỉnh của quy tắc ứng xử Tối huệ quốc (MFN) giảm 5%.

Với thuế giảm, lẽ ra kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU phải tăng nhưng như các con số thống kê nêu trên đã thể hiện rõ, sự sụt giảm lại diễn ra đáng kể.

Tuy nhiên, đồng hành với nghịch lý đó lại là một diễn biến hợp lý của thị trường.

Đợt giảm thuế được thực hiện trong năm 2017 trên thực tế chỉ là một bước đi ngắn nằm trong lộ trình cắt giảm thuế quan theo các kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, bao gồm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và MFN.

Đáng chú ý nhất là ATIGA. Theo hiệp định này, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối sẽ giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018. Chính lộ trình này đã tạo nên tâm lý chờ đợi mua xe giá thấp của người tiêu dùng. Sự chờ đợi đương nhiên kéo theo sự sụt giảm về sức mua trên thị trường và qua đó, kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh cũng là điều dễ hiểu.

Đến thời điểm này, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước ASEAN đã chính thức giảm về 0%. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa cho thấy rõ những dấu hiệu khởi sắc.

Theo nhiều dự đoán, kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU các tháng đầu năm nay sẽ chưa thể tăng mạnh dù “giờ G” của thuế đã điểm. Bởi lẽ, do sức mua suy giảm nghiêm trọng, các hãng xe đã đua nhau giảm giá trong năm 2017 nhằm mục tiêu kích cầu.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ của nhiều loại xe lắp ráp trong nước (CKD) cũng đã giảm từ tháng 11 nhờ hưởng mức thuế suất 0% của nhiều loại linh kiện nhập khẩu.

Một lý do nữa là theo Nghị định 116 của Chính phủ, các loại xe nhập khẩu cũng sẽ phải đối mặt với những trở ngại mới. Đáng chú ý là quy định bắt buộc kiểm định trên từng lô xe nhập khẩu. Quy định này, theo đánh giá của các doanh nghiệp ôtô, sẽ khiến chi phí tăng lên trong khi thời gian cũng bị kéo dài. Từ đó, ôtô nhập khẩu sẽ vấp phải không ít những khó khăn, bao gồm cả việc “đội giá” do quy định mới.

Vì sao nhập khẩu ô tô tăng vọt trong tháng 12, không chờ thuế suất về 0?

Bài viết mới