Bắc Giang: Tạo thuận lợi cho thương nhân tiêu thụ vải
Tính đến ngày 5/6, các vườn vải Bắc Giang đang vào cuối mùa thu hoạch vải thiều sớm, chuẩn bị thu hoạch vải thiều chính vụ.
Năm nay, diện tích trồng vải của tỉnh duy trì trên 28.000 ha (giảm gần 1.000 ha so với năm 2017). Do thời tiết thuận lợi, vải sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, đặc biệt các hộ trồng vải thiều đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Vì thế, sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm 2018 có thể đạt mức cao nhất trong những năm gần đây (150.000-180.000 tấn). Đặc biệt, chất lượng, mẫu mã quả vải được đánh giá là tốt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tình hình thị trường mua bán vải thiều sớm cũng có dấu hiệu tốt. Ở Lục Ngạn, giá vải thiều ngày 4/6 dao động từ 8.000- 25.000 đồng/kg, tùy loại. Tại huyện Tân Yên giá bình quân từ 13.000-15.000 đồng/kg.
Hiện nay, lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang tiêu thụ bình quân khoảng 1.200 tấn/ngày; lũy kế từ đầu vụ đến ngày 3/6, đã tiêu thụ khoảng 9.000 tấn, giá trị ước đạt 170 tỷ đồng.
Ngay từ đầu vụ vải thiều sớm (khoảng ngày 15/5), đã có khoảng 60 thương nhân trong và ngoài nước đến thu mua vải thiều, với hơn 40 điểm cân hoạt động liên tục. Dự báo, vào thời điểm chính vụ, sẽ có hàng nghìn điểm cân với trên 1.000 thương nhân, trong đó có trên 300 thương nhân nước ngoài thường xuyên có mặt để thu mua vải thiều. Do đó, việc tiêu thụ vải thiều của tỉnh cơ bản thuận lợi.
Ngày 5/6, kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh yêu cầu các cơ quan chức năng hỗ trợ việc đóng gói bao bì, gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đặc biệt, cần tạo điều kiện tốt nhất cho thương nhân tiêu thụ vải.
Vụ vải năm 2018 tỉnh Bắc Giang vẫn xác định Trung Quốc là thị trường truyền thống quan trọng, trong đó trọng tâm là Bằng Tường. Vì vậy, vào cuối tháng 5, tỉnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở Bằng Tường nhằm hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp tiêu thụ vải.
Tỉnh đã cam kết tạo thuận lợi nhất về an ninh trật tự, địa điểm thu mua, cung ứng các mặt hàng phụ trợ cho doanh nhân Trung Quốc thu mua, vận chuyển vải thiều. Chi cục Hải quan và Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn cũng hỗ trợ cấp chứng thư kiểm dịch, thông quan cho vải thiều nhanh chóng vào thị trường Trung Quốc.
Tại hội nghị xúc tiến thương mại nói trên, phía Trung Quốc cũng cam kết tạo mọi thuận lợi để vải thiều được thông quan nhanh nhất.
Dán tem truy xuất nguồn gốc mã QR cho vải Thanh Hà (Hải Dương). Ảnh: Báo Hải Dương |
Hải Dương: “Cấp giấy thông hành” chính hiệu cho vải thiều Thanh Hà Năm 2018 là năm đầu tiên quả vải Thanh Hà được dán tem truy xuất nguồn gốc mã QR. Vụ vải năm nay, toàn bộ diện tích vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà sẽ được dán tem mã QR. Đại diện Trung tâm Doanh nghiệp và Hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật về dán tem QR cho quả vải Thanh Hà cho biết bằng smartphone có kết nối internet và đã được cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm. Dán tem QR là yêu cầu cần thiết do năm nay, quả vải muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (qua cửa khẩu Quảng Tây) buộc phải dán tem QR. Tem QR được coi là cam kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng về chất lượng. Hầu hết các quả vải được dán tem đều có xuất xứ từ các vùng được trồng theo quy chuẩn an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP. Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại Hải Dương, vải có tem QR được người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là người dân ở các thành phố lớn; giá bán cũng cao hơn ít nhất 10% so với vải không được dán tem. Để tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu tháng 4, Sở Công Thương Hải Dương đã gửi văn bản đến các ngành, địa phương của tỉnh để hướng dẫn về thủ tục trong truy xuất nguồn gốc, bao gói bảo quản vải, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Chủ động cung cấp thông tin về số lượng, chủng loại, chất lượng, chủ vườn, chủ thu gom tới các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu trong cả nước để kết nối cung- cầu. |
Nhờ những nỗ lực đó, vải thiều Hải Dương đã được hệ thống các siêu thị Hapro, Co.opmart, Fivimart, Vinmart, Big C… cam kết thu mua. Cùng với đó, quả vải sẽ tìm đến các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện đã có khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề thu mua vải để xuất khẩu, trong đó có một số doanh nghiệp mới từ miền Nam. Ngoài thị trường truyền thống, năm nay quả vải tiếp tục có cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, Nam Phi, Trung Đông…
Về thị trường mới, tin vui cho quả vải Hải Dương là vào ngày 28/5, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TPHCM) xuất khẩu thành công 1,2 tấn vải sớm sang Australia. Đây cũng là lô vải sớm đầu tiên của tỉnh được xuất khẩu sang Australia.
Sau khi chọn lọc quả đạt tiêu chuẩn, kiểm định sâu bệnh và thực hiện chiếu xạ tại Hà Nội, vải được đưa sang Australia bằng đường hàng không. Dự kiến trong 2-3 ngày tới, Công ty sẽ xuất khẩu lô vải tiếp theo sang thị trường này. Ngoài thị trường Australia, Công ty sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực EU và Trung Đông.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hoa Mai (huyện Nam Sách) cho biết quả vải Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng ở thị trường Hàn Quốc. Vụ vải này, Công ty sẽ tiếp tục đưa quả vải vào thị trường này.
Trong nỗ lực chung, Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Thanh Hà (Hải Dương) cũng vừa xuất khẩu thử 5 tạ vải sớm sang thị trường Anh sau thành công đưa quả vải vào nước Pháp.