Được nhắc đến lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm trong Nghị quyết Trung ương, đặc khu kinh tế mang trong mình ước vọng về sự đổi thay cho Việt Nam, nhất là khi nhìn vào sự thành công của Thâm Quyến (Trung Quốc) từ làng chài xơ xác đã thay da, đổi thịt thành siêu đô thị trăm tỷ đô. Thế nhưng, sau ngần ấy năm, khát vọng vẫn nằm trên giấy và chờ đợi được thông qua.
“Tôi nghĩ là chúng ta không nên cầu toàn, đòi hỏi sự hoàn hảo ngay từ đầu, phải đi thì mới mong đến được”, một doanh nghiệp tâm sự sau khi tham gia rất nhiều hội thảo về đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
Quá 12h trưa, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới bước ra khỏi cuộc hội thảo liên quan đến Dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Cuộc hội thảo gần kề với ngày mà Dự án Luật sẽ được trình ra Quốc hội lần đầu. Số phận của những Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang) hay nhìn xa hơn là tương lai của kinh tế Việt Nam phần nào sẽ được định hình tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 11 này.
“Chậm quá rồi, thực sự chúng ta đã làm quá muộn, quá chậm”, ông Đông nhấn mạnh. Ông cho biết bản thân sốt ruột khi đặc khu của Việt Nam mới nằm trên giấy, còn ở Trung Quốc, đặc khu kinh tế của họ đã “version 4”.
Nhớ lại, ông Đông cho biết đặc khu kinh tế đã được nhắc đến lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm, trong Nghị quyết Trung ương. Đến năm 2012, Bộ Chính trị đồng ý để các địa phương xây dựng Đề án thành lập các Đặc khu và phải đến tháng 3 năm nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chính thức được giao nhiệm vụ soạn thảo để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 diễn ra trong tháng 10 – 11/2017.
Thưa ông, như vậy có thể hiểu thời gian soạn Dự thảo Luật là rất ngắn, điều gì khiến ông và các đồng sự tự tin là sẽ thuyết phục được các đại biểu Quốc hội?
Thời gian làm Luật đúng là ngắn nhưng nó là kết quả của một quá trình chuẩn bị rất dài, trước khi có quyết định giao soạn thảo chính thức. Quá trình làm luật cũng được tiến hành nghiên cứu bài bản, thể hiện ở các yếu tố.
Thứ nhất ban soạn thảo đã nghiên cứu, tổng kết đánh giá lại các mô hình kinh tế trong nước trong 25 năm qua, kết hợp với các đề xuất của địa phương, Bộ ngành liên quan, đồng thời nghiên cứu mô hình đặc khu ở 13 quốc gia nhằm lấy kinh nghiệm. Đặc khu là sân chơi quốc tế, chúng ta phải hiểu mình, hiểu người mới hi vọng tạo ra đột phá có tính cạnh tranh.
Thứ hai, không chỉ nghiên cứu trên các văn bản, chúng tôi còn tổ chức đi thực tế, mục sở thị những gì đang diễn ra trong nước cũng như quốc tế để có cái nhìn sâu sát nhất.
Thứ ba là tổ chức các hội thảo cũng như thuế các đơn vị tư vấn độc lập như The Boston Consulting Group (BCG), PriceWaterHouseCoppers (PwC),…
Ban đầu các Bộ ngành cũng tỏ ra e dè, thận trọng với dự án Luật này. Tuy nhiên, sau 10 lần sửa đổi tính đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng thuận. Tiến sĩ Võ Trí Thành có nói với tôi là dự thảo đã đi được bước tiến rất dài.
Có đúng một vấn đề mà ban soạn thảo mong muốn nhận được sự ủng hộ chính là về mô hình chính quyền địa phương đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Trong luật nêu ra hai phương án hoặc “Thiết chế Trưởng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính” hoặc “chính quyền địa phương một cấp gồm có HĐND và UBND tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”.
Chính phủ nghiêng về phương án một hơn bởi nó là cái thể hiện đột phá nhất. Nếu mô hình này được thông qua thì nó sẽ là cơ hội để thử nghiệm chính sách, tương lai có thể nhân rộng ra chính quyền đô thị ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Có vẻ như “Trưởng đặc khu và các cơ quan chuyên môn trực thuộc” cũng là điều khoản khiến ông tâm đắc nhất?
Chính xác. Như tôi đã nói, thiết chế này thật sự đặc biệt, chưa từng có tiền lệ. Thiết chế này cho phép người đứng đầu được tự lựa chọn những người dưới quyền với mức lương không gắn với hệ lương hiện hành mà dựa trên hiệu suất công việc. Đồng thời, cũng cho phép điều chuyển những người cũ không phù hợp với công việc bằng việc hỗ trợ trả gấp đôi lương nếu họ xin rút. Nó tương tự mô hình công ty với quyền chọn lựa nhân sự, trọng dụng người tài. Điều này cho thấy một sự quyết tâm đổi mới, đột phá, cũng là cơ hội thử nghiệm trong tương lai.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Trưởng đặc khu do Chủ tịch UBND cấp tỉnh – nghĩa là địa phương đề xuất lên Thủ tướng bổ nhiệm dẫn đến lo ngại về lợi ích nhóm. Ông nghĩ sao về điều này?
Địa phương đề xuất chỉ là một phương án. Bộ Nội vụ sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định, xem xét quá trình bổ nhiệm. Như vậy, người được bổ nhiệm có thể là cán bộ địa phương cũng có thể là cán bộ Trung ương, quan trọng là phải đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Hiện nay Chủ tịch UBND cấp tỉnh do HĐND bầu, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn nhưng việc miễn nhiệm, cách chức phải qua các quy trình, thủ tục khác nhau theo quy định. Còn đối với Trưởng đặc khu việc bổ nhiệm, miễn nhiệm của Thủ tướng là làm trực tiếp. Nghĩa là nếu người đứng đầu đặc khu làm sai hoặc không đáp ứng được yêu cầu của công việc, Thủ tướng có thể ngay lập tức điều chuyển và thay thế.
Vậy cơ chế giám sát đối với Trưởng đặc khu sẽ như thế nào?
Trưởng đặc khu được trao 126 thẩm quyền trong 12 lĩnh vực, trong số đó có một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, đã có một số ý kiến lo ngại về việc lạm quyền. Để giải quyết vấn đề này, trong dự thảo Luật đã lường trước việc này và quy định cơ chế giám sát rõ ràng.
Cụ thể, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh giám sát, chất vấn theo quy định của Luật hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND. Trưởng đặc khu chịu sự giám chất vấn tại các cuộc họp của HĐND tỉnh đối với các vấn đề liên quan. HĐND tỉnh có quyền đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu hoặc yêu cầu bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản pháp quy do Trưởng đặc khu ban hành.
Bên cạnh đó còn có sự giám sát của UBMT Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác. Trong dự thảo Luật cũng đề cập đến sự giám sát từ người dân thông qua việc tiếp dân, giải quyết các kiến nghị của người dân định kỳ theo tháng. Ngoài ra, Trưởng đặc khu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đối với các nhiệm vụ được giao và toàn bộ hoạt động của đặc khu.
Cuối cùng, một điều quan trọng nữa là phải công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin và trên website. Tôi cho rằng đây là một điểm đáng chú ý bởi giám sát của báo chí, của người dân rất quan trọng.
Như ông nói, đặc khu là nơi thử nghiệm thể chế, tại sao chúng ta không thử nghiệm luôn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với KCNC Hoà Lạc hoặc Thủ Thiêm như quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du (ĐH FulBright)? Hai thành phố lớn này là đầu tàu kinh tế cả nước, đồng thời có một lượng lớn nhân tài?
Tiềm năng của Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Quảng Ninh) là rất riêng. Hà Nội thì có Luật Thủ đô hay TP. Hồ Chí Minh sắp sửa được Quốc hội xem xét áp dụng một số cơ chế riêng, đặc thu.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thử nghiệm thì không thể diễn ra trên diện rộng được mà phải trên một phạm vi vừa phải. Trong khi đó Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với lượng dân lớn, số doanh nghiệp lớn nhất trên cả nước việc thử nghiệm cần hết sức thận trọng.
Đặc khu không chỉ là một khu công nghiệp cao mà còn là không gian phát triển kinh tế xã hội trong đó quy định các chính sách về chính sách dân cư, môi trường, pháp lý,… nếu nhìn rộng như vậy thì chỉ KCNC Hoà Lạc là chưa đáp ứng được.
Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Nhưng có một thực trạng là nhiều startup Việt lại phải đăng ký kinh doanh ở nước ngoài, ví dụ như tại Singapore. Đặc khu kinh tế nếu trở thành hiện thực ngoài thu hút các nhà đầu tư nước ngoài liệu có là chỗ cho startup Việt gieo mầm ước mơ?
Ngoài những ưu đãi về thuế, ưu đãi về xuất nhập khẩu, Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt còn khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Chính sách này cho phép các quỹ đầu tư được thành lập ngay, điều mà những nơi khác trên Việt Nam chưa có.
Bên cạnh đó, Trưởng đặc khu có thẩm quyền quyết định dùng nguồn lực của đặc khu để hỗ trợ từng dự án, ý tưởng được đánh giá là hợp lý. Tôi cho rằng những điều này sẽ hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tại các đặc khu này.
Cứ cho là dự thảo Luật sẽ thuận lợi được thông qua, nhưng nếu nó không thu hút được nhà đầu tư như kỳ vọng, Ban soạn thảo sẽ có phương án dự phòng gì?
Cách làm luật tốt nhất là lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược trước, xem yêu cầu của họ là gì và đưa vào luật là tốt nhất. Tuy nhiên phương án đó rất khó vì chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Những nghiên cứu quốc tế hay của BCG hay PwC đều chỉ ra phải có thể chế trước. Do vậy, chúng ta đã làm theo cách tốt nhất mà chúng ta có thể, tạo những chính sách vượt trội so với những khu kinh tế hiện hành trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước thành công. Dù vậy, việc thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà có thể kể đến như tình hình chung của kinh tế thế giới, dòng chảy của đầu tư của các nước hay quá trình triển khai khi dự thảo Luật được thông qua. Bởi người đứng đầu đặc khu, bộ máy vận hành của đặc khu hay những yếu tố ngoại cảnh cũng tác động đến hoạt động của các đặc khu, thậm chí 3 đặc khu cũng sẽ có sự thành công, phát triển là khác nhau.
Bên cạnh đó, nếu nhìn ta thế giới cũng có thể thấy họ cũng thay đổi liên tục cho kịp thời cuộc. Ví dụ như đặc khu ở Jeju (Hàn Quốc), trong 10 năm họ 6 lần thay đổi luật. Đặc khu ở Trung Quốc, Nhật Bản cũng điều chỉnh chiến lược liên tục. Nghĩa là quá trình triển khai đặc khu không thể cứng nhắc mà cần được sửa đổi, bổ sung tuỳ vào tình hình cụ thể.
Tất nhiên là ai cũng mong muốn thành công ngay từ đầu nhưng quan điểm của chúng tôi là không nên quá cầu toàn. Thực sự chúng ta đã đi chậm hơn các nước rất nhiều rồi, Trung Quốc giờ họ đã là phiên bản 4.0 cho đặc khu kinh tế. Nếu chúng ta không đi sẽ không bao giờ đến được đích như mong muốn.
Tức là không thể trông chờ vào câu chuyện mang tên Thánh Gióng?
Mọi thứ đều phải được xem xét kỹ lưỡng, triển khai nhanh nhưng thận trọng từ đó có đánh giá, sửa đổi. Luật là bộ khung pháp lý, là nền tảng ban đầu cho mọi thứ về sau.
Xin cảm ơn ông!
Theo Trí Thức Trẻ7/11/2017