Vụ thất thoát gần 4.758 tỷ đồng tại GPBank: Dòng “tiền ảo” được tạo ra như thế nào?

Ngày 20-12, phiên tòa xét xử bị cáo Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) và bị cáo Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch HĐQT GPBank cùng đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục với phần thẩm vấn cựu Chủ tịch HĐQT và cựu Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này để làm rõ dòng “tiền ảo” được tạo ra như thế nào.

Theo lời khai của bị cáo Long, ngoài việc cùng nhóm cổ đông sở hữu tới gần 35% vốn tại ngân hàng này thì bị cáo Long còn cùng vợ, con gái và con rể làm chủ Công ty Thành Trung với vốn điều lệ hơn 202 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động, Công ty Thành Trung là cổ đông góp hơn 58% cổ phần tại Công ty Thủ Đô-đơn vị sở hữu tòa nhà Capital Tower (số 109, Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Tương tự, bị cáo An và nhóm cổ đông liên quan cũng sở hữu hơn 55% vốn điều lệ, ứng với gần 1.670 tỷ đồng tại ngân hàng này. Bị cáo An và em vợ còn sở hữu 75% cổ phần tại Công ty Sao Bắc. Ngoài ra, bị cáo An còn sở hữu Công ty Chí Linh và giữ chức vụ cao nhất tại Công ty Đại Lải.

Bị cáo Long (phải) và bị cáo An tại phiên xử.

Bị cáo Long (phải) và bị cáo An tại phiên xử.

Để có tiền tăng vốn điều lệ tại GPBank theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ, bị cáo Long đã bàn bạc, thống nhất với bị cáo An sử dụng Công ty Thành Trung, Công ty Chí Linh và Công ty Đại Lải phát hành 3.380 trái phiếu bán cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) để thu về 3.380 tỷ đồng.

Số tiền nêu trên sau đó được nhóm cổ đông của bị cáo An sử dụng mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại GPBank lên 2.000 tỉ đồng vào năm 2009 và 3.018 tỷ đồng vào năm 2010.

Bị cáo Long và bị cáo An cũng thống nhất trích hơn 512 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu và phí tư vấn phát hành trái phiếu. Số tiền còn lại, hai bị cáo Long và An dùng vào mục đích kinh doanh của ba doanh nghiệp liên quan.

Đến thời điểm được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 3.000 tỷ đồng do không có tiền để trả tiền gốc và tiền lãi phát sinh cho EVNFinance nên hai bị cáo Long và An lại bàn cách “rút ruột” chính ngân hàng do hai bị cáo nắm giữ phần lớn cổ phần.

Theo đó, ngày 15-4-2011, bị cáo Long chủ trì cuộc họp và xin ý kiến đại hội đồng cổ đông chấp thuận cho GPBank mua 58% diện tích sàn tòa nhà Capital Tower khi Công ty Thành Trung được chủ sở hữu tòa nhà chia cho phần diện tích tương ứng với tỉ lệ vốn góp và hợp tác đầu tư xây dựng dự án Khu trung tâm thương mại và dịch vụ nhà ở cao cấp An Khánh với Công ty Sao Bắc với giá 2.200 tỷ đồng.

Tiếp đó bị cáo Phạm Quyết Thắng, cựu Tổng Giám đốc và bị cáo Nghiêm Tiến Sỹ, cựu Phó Tổng Giám đốc GPBank lần lượt ký các lệnh chuyển tiền cho Công ty Thành Trung. Nhưng đến nay, việc mua bán tòa nhà Capital Tower vẫn không thể thực hiện được.

Ngày 6-6-2011, bị cáo Long ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Sao Bắc nhằm thực hiện dự án Khu trung tâm thương mại và dịch vụ nhà ở cao cấp An Khánh. Và ngay sau đó, bị cáo Thắng liên tiếp ký 2 ủy nhiệm chi chuyển cho Công ty Sao Bắc 1.700 tỷ đồng. Với cách làm trên, bị cáo Long cùng đồng phạm đã “rút ruột” được 3.900 tỷ đồng của GPBank.

Số tiền này, các bị cáo sử dụng hơn 3.793 tỷ đồng để mua lại 3.380 trái phiếu trước hạn và trả lãi trái phiếu. Công ty Thành Trung sử dụng hơn 2,8 tỷ đồng và bị cáo An sử dụng riêng hơn 103 tỷ đồng.

Theo lời khai nhận của bị cáo Long, bị cáo An và đồng phạm, tháng 4-2013, GPBank cùng hai doanh nghiệp liên quan đã tính toán và xác nhận công nợ với nhau.

Tính đến thời điểm các bị cáo bị khởi tố thì Công ty Thành Trung, Công ty Sao Bắc còn nợ GPBank hơn 3.898 tỷ đồng tiền gốc và 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo Long, bị cáo An và người thân các bị cáo đã khắc phục được gần 949 tỷ đồng. Viện kiểm sát xác định, hai bị cáo tiếp tục phải khắc phục hơn 3.000 tỷ đồng nữa, đồng thời phải hoàn trả 858 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Vụ án GPBank: Rút 3.900 tỷ đồng qua 2 hợp đồng với “sân sau“

Bài viết mới