Vụ chỉ được rút tối đa 5 triệu/ngày: NHNN nói gì?

Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông tin giải thích thêm về một số thông đến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó có nhiều nội dung mới đáng chú ý.

Vì sao chỉ được rút 30 triệu?

Về thông tin, “đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 (ba mươi) triệu đồng Việt Nam trong một ngày”, NHNN cho rằng hiện nay, hầu hết hạn mức rút tiền mặt tại nước ngoài, đối với thẻ tín dụng, khách hàng được sử dụng trong khoảng hạn mức tín dụng xác định khi mở thẻ; đối với thẻ ghi nợ, khách hàng được sử dụng trong khoảng số dư của tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Dự thảo Thông tư quy định về hạn mức tối đa tương đương 30 triệu trong một ngày (không áp dụng cho việc thanh toán bằng thẻ, chỉ áp dụng cho rút tiền mặt tại nước ngoài, áp dụng cho cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ trả trước, các ngân hàng có thể quy định hạn mức cụ thể trong giới hạn này).

“Mục tiêu của quy định này nhằm giảm thiểu chi tiêu bằng tiền mặt nói chung và chi tiêu bằng tiền mặt tại nước ngoài nói riêng; giảm thiểu nguy cơ việc “chảy máu” ngoại tệ ra nước ngoài; từng bước tạo sự minh bạch thông qua thanh toán không dùng tiền mặt…”, NHNN lý giải

NHNN cũng không quy định hạn mức đối với việc sử dụng thẻ để thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị chấp nhận thẻ nước ngoài, tại dự thảo Thông tư chỉ bổ sung quy định để làm rõ thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài theo các mục đích được pháp luật Việt Nam cho phép, phù hợp với nguyên tắc “tự do hóa giao dịch vãng lai”.

“Với các quy định như trên tại dự thảo Thông tư không làm thay đổi, cản trở việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ; từng bước giảm thiểu và kiểm soát việc rút, sử dụng tiền mặt tại nước ngoài và góp phần đáp ứng yêu cầu về giám sát, quản lý về ngoại hối”, NHNN khẳng định.

Không hạn chế rút tiền mặt tại ATM

Về thông tin “đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 05 (năm) triệu đồng Việt Nam trong một ngày”, NHNN cho rằng hiện nay pháp luật chỉ quy định các POS đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng mới được phép ứng tiền mặt cho chủ thẻ.

NHNN khẳng định: “Theo đề xuất của các ngân hàng và cũng là thông lệ quốc tế để đáp ứng chi tiêu tiền mặt của chủ thẻ trong một số trường hợp (khẩn cấp, ngoài giờ làm việc, nơi không có ATM, các dịch vụ không hỗ trợ thanh toán thẻ,.v.v…), Dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá 5 triệu đồng/ngày -không phải là hạn chế rút tiền mặt tại ATM và không liên quan tới ATM”.

Dự thảo dự kiến mở rộng phạm vi dịch vụ tại POS, thực tế là nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, và không thay đổi đối với các quy định về rút tiền mặt tại máy ATM trong lãnh thổ Việt Nam nên không gây ảnh hưởng đến việc rút tiền mặt bằng thẻ qua ATM của khách hàng.

NHNN cho rằng dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá 5 triệu đồng/ngày -không phải là hạn chế rút tiền mặt tại ATM và không liên quan tới ATM”

NHNN cho rằng dự thảo Thông tư dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá 5 triệu đồng/ngày -không phải là hạn chế rút tiền mặt tại ATM và không liên quan tới ATM”

Chỉ áp dụng đối với cá nhân

Về thông tin “hạn mức tín dụng trong trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản đảm bảo là không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỉ đồng, đối với trường hợp không có tài sản đảm bảo thì hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng”, NHNN nói rõ quy định tại dự thảo Thông tư là:

“Hạn mức thẻ tín dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi, bổ sung) như sau: (i) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ không quá 80% giá trị của tài sản bảo đảm và tối đa là 01 (một) tỷ đồng Việt Nam; (ii) Trường hợp phát hành thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm: hạn mức tín dụng cấp cho chủ thẻ tối đa là 500 (năm trăm) triệu đồng Việt Nam”.

Theo đó, quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng nhằm chuẩn bị hướng dẫn cho nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sắp trình Quốc hội). Đối với các đối tượng khách hàng khác thì dự thảo Thông tư không quy định hạn mức thẻ tín dụng tối đa.

Ngoài việc đăng tải trên Website, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội thảo để lấy ý kiến trực tiếp của các bên liên quan. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu/giải trình các ý kiến góp ý và sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư theo đúng quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số khái niệm cơ bản cần hiểu rõ, phân biệt

-Thẻ ghi nợ (debit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền và hạn mức thấu chi (nếu có) trên tài khoản thanh toán của chủ thẻ mở tại tổ chức phát hành thẻ.

Loại thẻ này thường được gọi là thẻ ATM hoặc thẻ debit (đa phần khách hàng được nhận lương và dùng thẻ này để rút tiền mặt tại ATM hoặc thanh toán hàng hóa/dịch vụ).

– Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thoả thuận với tổ chức phát hành thẻ. Ví dụ: Thẻ Visa, MasterCard, JCB…

Loại thẻ này thường được gọi theo tên thương hiệu của tổ chức thẻ quốc tế (Visa, MasterCard, JCB). Loại thẻ này liên quan đến việc tổ chức phát hành thẻ cấp tín dụng cho chủ thẻ căn cứ theo các tiêu chí, điều kiện nhất định (không phải khách hàng nào cũng có thể được cấp thẻ tín dụng của ngân hàng).

– Ngoài thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng (tương đối phổ biến hiện nay), còn có Thẻ trả trước (prepaid card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền đã trả trước cho tổ chức phát hành thẻ.

– Thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán bao gồm Point of Sale (viết tắt là POS), Mobile Point of Sale (viết tắt là mPOS) và các loại thiết bị chấp nhận thẻ khác là các loại thiết bị đọc thẻ, thiết bị đầu cuối được cài đặt và sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ mà chủ thẻ có thể sử dụng thẻ để thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ.

POS có thể được lắp đặt tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức thanh toán thẻ để cung ứng tiền mặt cho chủ thẻ theo thỏa thuận giữa tổ chức thanh toán thẻ và tổ chức phát hành thẻ.

Mỗi ngày chỉ được rút 5 triệu: Quá bất tiện!

Bài viết mới