Vụ án Huyền Như: Loạt công ty kháng cáo yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường hơn 900 tỷ

TAND cấp cao tại TP.HCM cho biết, ngày 28/5/2018 sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, để xem xét kháng cáo của 4 nguyên đơn yêu cầu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có trách nhiệm bồi thường hơn 900 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 9/2/2018, TAND TP.HCM đã tuyên án chung thân đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank CN TP.HCM và 7 năm tù với Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ VietinBank CN TP.HCM cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Toà cũng buộc bị cáo Huyền Như bồi thường cho các công ty 1.085 tỷ đồng.

Sau bản án sơ thẩm trên, bị cáo Huyền Như không kháng cáo; bị cáo Anh Tuấn kháng cáo xin xem xét lại thủ tục tố tụng của vụ án, tránh trường hợp một hành vi bị xét xử hai lần, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt.

4 công ty gồm CTCP Chứng khoán SaigonbankBerjaya (SBBS) (thiệt hại 210 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) (380 tỷ đồng), CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu (150 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Thương mại An Lộc (179 tỷ đồng) đã kháng cáo. Riêng Công ty Hưng Yên không kháng cáo.

Hai bản án trái ngược về tội danh, đề nghị xử tội Tham ô

Trong đơn kháng cáo của SBBS nêu, bản án hình sự phúc thẩm số 2/2015/HSPT ngày 7/1/2015 đã khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như có dấu hiệu của tội “Tham ô” và xác định trách nhiệm bồi thường số tiền 210 tỷ đồng của VietinBank đối với SBBS. Đồng thời, tại Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 94/2017/HSST-QĐ ngày 11/4/2017 của chính TAND TP.HCM cũng nêu rõ quan điểm về tội danh “Tham ô” của Huỳnh Thị Huyền Như và yêu cầu xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho SBBS.

Mặc dù tại phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 8-9/2/2018, SBBS đã có văn bản nêu rõ yêu cầu VietinBank phải chịu trách nhiệm bồi thường 210 tỷ đồng cho SBBS cùng lãi suất có liên quan. Và trong quá trình xét xử sơ thẩm, luật sư và đại diện của SBBS đã nhiều lần đưa ra các chứng cứ, căn cứ pháp lý để chứng minh VietinBank có nghĩa vụ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho SBBS.

“Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã không xem xét thận trọng, toàn diện đến các yêu cầu đúng pháp luật trên của SBBS để ra phán quyết đúng đắn, có căn cứ pháp luật. Bản án hình sự sơ thẩm tuyên lúc 19h00 ngày 9/2/2018 của TAND TP.HCM, có nội dung trái ngược lại hoàn toàn với Bản án hình sự phúc thẩm số 2/2015/HSPT ngày 7/1/2015; thể hiện quan điểm pháp lý và đường lối xét xử không công bằng và không có căn cứ pháp luật”, đơn kháng cáo của SBBS nêu.

Đồng quan điểm về yêu cầu trên, đơn kháng của của ORS và An Lộc cùng nêu, tại quyết định trả hồ sơ để bổ sung ngày 11/4/2017 của TAND TP.HCM đã khẳng định Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản theo điều 178 BLHS chứ không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như VKSND Tối cao truy tố. ORS cho rằng Tòa sơ thẩm không căn cứ khoản 3 điều 298 Bộ Luật tố tụng dân sự về giới hạn xét xử xử tội nặng hơn là Tham ô tài sản mà vẫn xét xử tội danh như VKSND Tối cao truy tố.

“Nếu xét tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không đúng đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại về tội danh Tham ô tài sản đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như nhằm bảo đảm đúng tội, đúng pháp luật”, đơn kháng cáo của ORS và An Lộc cùng đề cập.

“Ngân hàng có lỗi, phải bồi thường thiệt hại cho 4 nguyên đơn”

Đơn kháng cáo của Bảo hiểm Toàn Cầu nêu, qua phiên tòa sở thẩm đã chứng minh Vietinbank có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng trong công tác kiểm tra kiểm sát để số cán bộ, nhân viên này có những hành vi vi phạm pháp luật (Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái, Lừa đảo chiếm đoạt…) là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng cho Tổng CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu cũng như một số khách hành khác.

“Vì vậy, căn cứ Điều 30, Điều 63 và Điều 64 Bộ Luật tố tụng hình sự; Điều 93, Điều 604, Điều 618 Bộ Luật dân sự 2005 (điều 87, điều 584 và điều 597 Bộ Luật dân sự 2015); khoản 8 Điều 12 Quyết định 1284 ngày 21/11/2002 của Thống đốc NHNN, kính đề nghị TAND Cấp cap tại TP.HCM xét xử buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo bồi thường cho Bảo hiểm Toàn Cầu số tiền 125 tỷ đồng cộng lã suất phát sinh là hơn 24,8 tỷ đồng (tạm tính đến 8/2/2018), tổng cộng là gần 150 tỷ đồng”, kháng cáo của Toàn Cầu đề nghị.

Đơn kháng cáo của SBBS đề cập, hồ sơ, thủ tục mở tài khoản tiền gửi thanh toán của SBBS tại VietinBank – CN TP.HCM là thật, hợp lệ và hợp pháp, đúng với quy định từ Điều 2 đến Điều 6 và Khoản 1 Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi ban hành kèm theo Quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Do đó, đã phát sinh trách nhiệm quản lý tiền của VietinBank đối với tiền trong tài khoản của SBBS theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi nêu trên.

“Tiền SBBS chuyển vào tài khoản của SBBS tại VietinBank CN TP.HCM đã được VietinBank theo dõi hạch toán đầy đủ trong hệ thống sổ sách của VietinBank. Bằng chứng là qua Sao kê tài khoản chi tiết của VietinBank CN TP.HCM phát hành cho SBBS thể hiện VietinBank đã thực hiện các nghiệp vụ hạch toán liên quan đến tài khoản của SBBS trên hệ thống quản lý của VietinBank”, kháng cáo của SBBS nêu.

Trước đó tại phiên xử sơ thẩm 8-9/2/2018, luật sư của SBBS đã đưa ra luận cứ cáo buộc VietinBank đã có lỗi trong việc để Huyền Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản của SBBS tại VietinBank CN TP.HCM. Căn cứ pháp lý của kết luận này là Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của NHNN.

Theo đó, luật sư cho rằng Vietinbank CN TP.HCM đã vi phạm khoản 2 khi đã thực hiện các lệnh thanh toán giả, các yêu cầu sử dụng tài khoản giả của Huỳnh Thị Huyền Như, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt 210 tỷ đồng từ tài khoản này. VietinBank CN TP.HCM không kiểm soát và phát hiện các lệnh thanh toán giả, không lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố do chủ tài khoản là SBBS đã đăng ký hợp pháp và được lãnh đạo Vietinbank CN TP.HCM chấp thuận, phê duyệt, để cho Huyền Như dễ dàng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền.

Vi phạm Khoản 4 khi không gửi kịp thời, đầy đủ giấy báo Nợ, Giấy báo Có, Bản sao sổ tài khoản, Giấy báo số dư tài khoản theo yêu cầu của SBBS; Không thông tin kịp thời về những giao dịch thanh toán và số dư tài khoản theo cam kết trong Giấy đề nghị mở tài khoản của SBBS. (Trong Giấy đề nghị mở tài khoản ngày 18/5/2011, SBBS và Vietinbank CN TP.HCM đã thỏa thuận tại Mục Chu kỳ in sao kê đã xác định Vietinbank CN TP.HCM phải thông tin hàng tháng theo phương thức báo qua Bưu điện cho SBBS).

Nếu CN TP.HCM thực hiện đúng trách nhiệm thông tin kịp thời theo cam kết này thì ngay từ lệnh chuyển tiền giả lần đầu tiên của Huyền Như, SBBS sẽ phát hiện ra và ngăn chặn kịp thời, hậu quả chiếm đoạt sẽ được khắc phục, luật sư của SBBS nêu.

Như vậy, theo luật sư của SBBS, Vietinbank CN TP.HCM đã có lỗi trong việc để Huyền Như chiếm đoạt số tiền 210 tỷ đồng từ tài khoản của SBBS nên họ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 8 Điều 12: “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình”.

Lỗi này của Vietinbank cũng đã được đại diện VKSND TP.HCM thừa nhận trước phiên tòa sơ thẩm lần trước trong lời luận về tội “Lừa đảo…” của Huyền Như.

Kháng cáo của các nguyên đơn dân sự cùng thể hiện, họ gửi tiền vào VietinBank thủ tục hợp pháp, chứng từ đầy đủ, không vi phạm quy định của pháp luật. 4 nguyên đơn dân sự cho rằng VietinBank có lỗi trong công tác quản lý tiền gửi của khách hàng, có lỗi trong việc quản lý cán bộ, nhân viên của mình, buông lỏng công tác kiểm tra kiểm sát để Huyền Như và đồng phạm có hành vi phạm tội, gây thiệt hại trực tiếp đến khách hàng.

Từ đó, các nguyên đơn dân sự đề nghị cấp phúc thẩm buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm dân sự liên đới với các bị cáo, bồi thường thiệt hại cho 4 nguyên đơn dân sự trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Nhìn lại hành trình vụ án 4.000 tỷ của Huyền Như và đồng phạm

Bài viết mới