Vốn FDI thực hiện đạt 17 tỷ USD trong năm 2017, cao nhất từ trước đến nay

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng vào cuối năm. Vốn FDI đăng ký năm 2017 có thể đạt 35 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

“Thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua có nguyên nhân lớn từ sự nỗ lực, quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Các chỉ tiêu của nền kinh tế theo hướng tích cực là điều được các nhà đầu tư chú ý và so sánh với các nước xung quanh. Các nhà đầu tư có niềm tin vào chính sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong hiện tại và tương lai, cũng như bị hấp dẫn bởi thị trường nên đến Việt Nam” – ông Đỗ Nhất Hoàng nói.

Mặc dù vậy, ông Hoàng cũng thận trọng trong việc đánh giá những con số về đầu tư nước ngoài đã đạt được. Năm 2017 vẫn chưa kết thúc và Cục sẽ tiếp tục theo dõi để hoàn thành báo cáo tổng hợp đầy đủ thông tin về đầu tư nước ngoài. Khi có con số tổng hợp chính thức, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp thông tin đến nhân dân.

Nhằm tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, Cục Đầu tư nước ngoài muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới cho Việt Nam.

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Chính phủ cần thực hiện 3 việc: Thứ nhất, kết nối giữa doanh nghiệp trong nức với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích ứng; Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực; Thứ ba, khuyến khích việc nhân rộng mô hình thành công như của Samsung.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong đề nghị xây dựng các khu phức hợp công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ, thay vì đưa tất cả doanh nghiệp của nhiều ngành vào khu công nghiệp như hiện tại. Chính phủ cũng cần thành lập các sàn giao dịch sản phẩm công nghiêp, ý tưởng, công nghệ để việc kết nối thêm thuận lợi.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia và khẳng định sẽ tổng hợp để hoàn thiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá, các ý kiến của chuyên gia đều nhằm tạo sự đột phá trong vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc chưa có Luật về đầu tư nước ngoài là lỹ do lớn khiến các giải pháp trong thời gian qua vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia đều cho rằng hai phía cần phải có thiện chí. Theo ông Kim Yong Seok, đại diện Tập đoàn Samsung, đã từng có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Samsung cam kết nhập sản phẩm thì mới chịu đầu tư công nghệ mới. Samsung đã không chấp nhận điều đó và tái khẳng định rằng chỉ nhập sản phẩm khi đạt các tiêu chuẩn của hãng.

Sau đó, Samsung đã đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cử chuyên gia đến công ty để làm việc. Từ chỗ chỉ có 1 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp cấp II, giờ đây đã có tới 29 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp cấp 1. Đại diện Samsung cho biết, hãng sẽ tiếp tục cử chuyên gia đến các doanh nghiệp để hướng dẫn để có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp này, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Năm tới, chính phủ sẽ siết chặt việc quản lý các doanh nghiệp bán lẻ FDI, đảm bảo công bằng cho công ty trong nước

Bài viết mới