Với Basel II, các ngân hàng đừng chỉ nhìn vào khó khăn mà hãy biến nó thành cơ hội

Sáng ngày 14/12, tại Trường Địa học Kinh tế Quốc dân, viện Ngân hàng – Tài chính (ĐHKTQD) đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các Ngân hàng Thương mại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện”.

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định” Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, hệ thống NHTM Việt Nam phải chủ động nhận thức và sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập để có thể biến những thách thức thành cơ hội, biến những khó khăn thành lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các ngân hàng. Việc áp dụng Basel II tại các NHTM Việt Nam là một xu thế phù hợp với yêu cầu hoạt động và quá trình hội nhập quốc tế.”

Ông cho rằng lộ trình áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro tại các NHTMVN hiện nay rất phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh cần tiếp tục được nghiên cứu và xử lý từ cả phía Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại.

Tham luận tại hội thảo, TS. Phan Hữu Việt thuộc Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, việc áp dụng Basel II không chỉ tuân thủ quy định của NHNN mà còn vì chính bản thân ngân hàng.

Đồng quan điểm với ông Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn – Phó TGĐ LienVietPostBank cũng cho rằng, áp dụng Basel II là có lợi cho ngân hàng, nhằm hoạt động ổn định lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập với thế giới …. Tuy nhiên, bà Sơn cũng thừa nhận, việc triển khai Basel II hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, vấn đề nguồn lực con người, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, áp lực xử lý các vấn đề nội tại – đặc biệt là nợ xấu và một phần hạn chế trong giám sát hệ thống ngân hàng của cơ quan quản lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê NHNN liên tưởng rằng, “Áp dụng Basel II cũng giống như việc chuyển từ chuẩn bằng C sang Ielts trong tiếng Anh, muốn chuyển thì phải có lộ trình và thời gian để thích nghi”. Ông Trung nhận định, việc áp dụng Basel II nếu quá gấp rút còn có thể dẫn tới các cú sốc cho nền kinh tế. “Tăng trưởng tín dụng vẫn là yếu tố đóng góp quan trọng bậc nhất cho nền kinh tế, cho GDP. Do đó, nếu áp dụng Basel II hà khắc quá sẽ khiến các NHTM điều chỉnh giảm cho vay, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng” – ông Trung nói và bổ sung rằng đến năm 2020 là thời điểm để ngân hàng thương mại tăng sức đề kháng, áp dụng mà không gây cú sốc.

Lãnh đạo của ngân hàng OCB – Ngân hàng đầu tiên thông báo đã thành công với Basel II cho biết, tuy OCB không nằm trong danh sách 10 ngân hàng mà NHNN yêu cầu thí điểm Basel II nhưng Ban quản trị và Ban điều hành ngân hàng đều nhận thức được rằng nếu không tuân theo Basel II thì không thể phát triển an toàn và đấy là động lực để OCB thực hiện ngay mà không phải đợi đến năm 2020.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị An Bình – Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Quân đội cho biết đã nghiên cứu về bài toán quản trị dữ liệu hiệu quả trong các NHTM tại Việt Nam. Trong đó có ba vấn đề chính: Những yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II, Quản trị vấn đề dữ liệu như thế nào, Các thực trạng trong thực tế triển khai tại các ngân hàng Việt Nam. Bà Bình cho rằng để triển khai thành công, vấn đề tiền là rất quan trọng, nhưng con người và phương pháp thực hiện còn khó khăn hơn nhiều.

Về vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Basel II là tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng (CAR), PGS.TS Lê Thanh Tâm của Viện Ngân hàng – Tài chính đại học Kinh tế Quốc dân đã có các phân tích về những yếu tố ảnh hưởng tới CAR dựa trên thực tế nghiên cứu tại 26/35 NHTM Việt Nam. Từ đó, bà Tâm đưa ra một số khuyến nghị cho các NHTM để tăng CAR như: phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, mua bán sáp nhập, phát hành thêm cổ phần và cải thiện quản lý rủi ro…

Được biết việc triển khai áp dụng Basel II tại 10 ngân hàng thí điểm đã được thực hiện, hầu hết các ngân hàng đã thành lập Ban quản lý dự án Basel II; tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng đã cao hơn 10% (vượt so với qui định 9%) tuy vậy vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực; các NHTM rất nỗ lực để hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản trị rủi ro nhưng rủi ro về nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn; vấn đề khác biệt về chuẩn mực kế toán và công bố thông tin hiện tại so với chuẩn mực quốc tế.

Ngoại trừ OCB, bao giờ các ngân hàng Việt còn lại mới có thể đáp ứng Basel II?

Bài viết mới