Aida Batlle trồng cà phê trong trang trại gia đình gần chân ngọn núi lửa Santa Ana ở El Salvador.
Giống như nhiều thế hệ trước, Batlle hầu như không sử dụng phần vỏ của quả cà phê. Đôi khi, bà sử dụng phần vỏ này để làm phân bón cho cây cối, và thường thì đổ bỏ.
Một ngày nọ, khi đi qua một đống vỏ quả cà phê đang khô dần dưới ánh nắng mặt trời, Batlle chợt ngừi thấy một mùi hương dễ chịu, gần giống như mùi của hoa hibiscus và một số loại hoa khác. Mùi thơm này làm bà lóe lên một ý tưởng: thứ mà bà bỏ đi bấy lâu này có thể mang lại giá trị.
Sau đó, bà Batlle lấy một nhúm vỏ quả cà phê khô ngâm vào nước nóng và nếm thử. “Ngay lập tức, tôi gọi cho khách hàng, mời họ đến thử”, bà kể lại.
Hơn một thập kỷ sau, vỏ quả cà phê sấy khô, hay còn gọi là cascara, bắt đầu “lên ngôi”.
Mới đây, chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất thế giới Starbucks “trình làng” một thức uống mới tại thị trường Mỹ và Canada, sử dụng chất tạo ngọt là sy-rô chiết xuất từ vỏ quả cà phê. Khách hàng cũng có thể lựa chọn thêm phần phủ trên (topping) làm từ loại vỏ quả này.
Nhiều đối thủ của Starbucks như Stumptown Coffee Roasters và Blue Bottle Coffee cũng đưa thức uống tương tự vào menu của mình.
Tại một cửa hiệu Starbucks ở Chicago, một cốc cappuccino lạnh cỡ trung với phần phủ trên cascara có giá 4,75 USD.
“Starbucks rất giỏi trong việc ứng dụng vỏ quả cà phê và đưa nó đến với công chúng”, ông Michael Schultz, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Coffee & Tea Bar Holdings LLC, nhận xét. “Ngày càng có nhiều người biết đến loại đồ uống này”.
Coffee & Tea Bar là công ty vận hành chuỗi cửa hiệu trà và cà phê có tên Fairgrounds Coffee & Tea. Mới đây, công ty đã hoàn tất việc thử nghiệm một loại đồ uống đặc biệt chế biến từ cascara dự kiến có giá 5 USD một suất.
Nhờ nhu cầu của các chuỗi cửa hiệu này, giá vỏ quả cà phê phơi khô giờ đây còn đắt hơn cả hạt cà phê. Bà Batlle cho biết mỗi pound vỏ quả cà phê khô mang về cho bà 7 USD, trong khi giá trung bình của hạt cà phê chỉ vào khoảng 1,2 USD/pound, mức thấp nhất trong 2 năm do dư thừa nguồn cung hạt cà phê arabica.
Cascara có hàm lượng caffeine thấp và vị dịu hơn so với vị cà phê. Ngoài một chút hương của hoa hibiscus, cascara còn có mùi hương của đu đủ hoặc táo xanh tùy theo cách thức trồng và thổ nhưỡng – bà Batlle cho hay.
Doanh thu từ các loại đồ uống cascara hiện nay vẫn còn ở mức khiêm tốn. Dù nhu cầu đang tăng, những người nông dân trồng cà phê như bà Batlle vẫn ít nhiều lo ngại rằng loại đồ uống này có thể sẽ chỉ là một trào lưu thoáng qua.
Bà Batlle nói rằng hiện nay, bà bán được hàng nghìn pound vỏ quả cà phê khô mỗi năm, nhưng bà không cho rằng cascara sẽ đến lúc nào đó chiếm thị phần của hạt cà phê. Tuy vậy, trong lúc giá hạt cà phê thấp hiện nay, việc bán được vỏ quả cà phê với giá tốt giúp bù đắp nhiều cho những người nông dân trồng cà phê như Batlle.