VN-Index giảm gần 53 điểm sau 5 phiên, vẫn có cổ phiếu lên gần gấp đôi

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới trải qua một đợt điều chỉnh mạnh nhất từ đầu năm 2017 đến giờ. Chỉ trong 5 phiên giao dịch (từ 4/12 đến 11/12/2017), VN-Index đã giảm 52,57 điểm (-5,42%), tương tự, HNX-Index cũng giảm 4,24 điểm (-3,65%).

Tâm điểm của thị trường thời điểm đó tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – đây là nguyên nhân chính khiến cả hai chỉ số giảm sâu chỉ trong thời gian rất ngắn như SAB, CTG, VCB, FPT… Trong đó, SAB xứng đáng là ‘quả tạ’ lớn nhất đối với VN-Index khi giảm đến 11,8%. Bên sàn HNX, VCG giảm 20,9% và là nhân tố chủ chốt tạo áp lực lên HNX-Index.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chung sụt giảm rất mạnh nhưng nhà đầu tư vẫn có thể ung dung nhìn tài khoản tăng nếu như nắm giữ một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Đáng kể nhất trong số này là KPF, cổ phiếu này chỉ trong 5 phiên kể trên đã tăng đến 32% từ 8.600 đồng/CP leo lên 11.350 đồng/CP.

Đáng chú ý, cổ phiếu này kể từ ngày 21/11 đã có 15 phiên tăng trần trong khi chỉ có 1 phiên giảm và 1 phiên tăng nhẹ. Việc tăng giá này diễn ra ngay sau khi KPF công bố nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn tại công ty liên kết là Công ty cổ phần Phú Gia Hà Nam. Đến cuối tháng 11, KPF tiếp tục công bố thông tin thoái vốn tại Công ty cổ phần đầu tư Tam Hà.

Bên cạnh đó, CMG có thể được xem như là một hiện tượng của thị trường thời gian qua. CMG đã tăng 31,67% từ 12.000 đồng/CP lên 15.800 đồng/CP. Sự bứt phá của CMG diễn ra cùng thời điểm công ty CMC Telecom – đơn vị thành viên của CMG ra mắt tuyến đường trục xuyên Việt mới và khai trương trung tâm dữ liệu thứ 3 vào ngày 7/12 vừa qua.

Còn trên sàn HNX, cổ phiếu V12 cũng giúp nhà đầu tư tận hưởng cảm giác thị trường chung lao dốc nhưng tài khoản tăng mạnh. Trong 5 phiên giao dịch đó, V12 đã tăng 36,7% từ 13.900 đồng/CP lên 19.000 đồng/CP.

Ngoài ra, các cổ phiếu như SDE, VGP và SDU cũng giúp nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận trên 20% trong lúc thị trường ‘đỏ lửa’.

Mặc dù hai chỉ số thị trường chính là VN-Index và HNX-Index sụt giảm mạnh thì UPCoM-Index dường như không mấy bị ảnh hưởng. Chỉ số này thời điểm đó chỉ giảm nhẹ 0,05 điểm. Thậm chí sàn UPCoM còn có cổ phiếu tăng giá đến gần 100%. Cụ thể, TMG tăng trong cả 5 phiên mà thị trường rung lắc mạnh. Tổng kết lại TMG tăng đến gần 100%. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, thanh khoản của TMG ở các phiên đó chỉ là 100 cổ phiếu, cao nhất cũng là 2.800 cổ phiếu. Thời gian gần đây, không có thông tin gì có thể tác động khiến TMG tăng ‘sốc’ như vậy. Thậm chí cổ phiếu này cũng mới chỉ xuất hiện giao dịch khớp lệnh trở lại sau khoảng gần 2 tháng ‘ngủ quên’.

Các cổ phiếu tăng giá trên 50% còn có FT1, MGG, HAF, CQT, HFC, NHT và CC4. Tuy mức tăng là khá sốc nhưng có lẽ không mấy nhà đầu tư được hưởng niềm vui này khi mà các cổ phiếu nói trên tại sàn UPCoM đều chỉ giao dịch rất khiêm tốn, khối lượng giao dịch trung bình các phiên chỉ vài trăm cổ phiếu.

Bài viết mới