VinFast thôn tính GM Việt Nam: Xin đừng shock!

Những mảnh ghép còn thiếu

Đúng như ý nghĩa cái tên, VinFast vừa tiến một bước thần tốc, nhanh hơn cả suy nghĩ của nhiều người mê tô tô: Thôn tính GM Việt Nam . Lễ ký được thực hiện giữa trưa ngày 28/6/2018.

Với những ai đang kỳ vọng ở chiếc xe thương hiệu Việt đầu tiên, cuộc “hôn phối” này mang tới sự hồi hộp không khác nào cuộc đua trong serie phim “Quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Có vẻ, đây là một trong những mảnh ghép quan trọng còn thiếu của bức tranh VinFast: Thiết lập mạng lưới phân phối, đại lý rộng khắp tại Việt Nam.

Nhưng nếu nhìn kỹ, hành động mới nhất của VinFast đã thể hiện rất rõ một chiến lược xuyên suốt: Quy tụ rất nhiều tên tuổi, thương hiệu toàn cầu vào một sản phẩm made in Vietnam chất lượng quốc tế với giá vẫn Việt Nam.

9 năm trước, bà Thái Hương, chủ tập đoàn TH đã gây ấn tượng mạnh với người Việt khi thuê cả chuyên gia và nông dân Israel sang tận Nghệ An để làm trang trại nuôi bò sữa.

VinFast hôm nay đã gây ngạc nhiên xuyên biên giới khi chiêu mộ được các nhân sự lãnh đạo hàng đầu của những đế chế hùng mạnh trên thế giới như cựu Phó Chủ tịch Lehman Brothers Nhật Bản, Thái Lan và Singapore; cựu Phó chủ tịch GM toàn cầu; Cựu CEO của Bosch Việt Nam…

Những tên tuổi ông lớn như Bosch, Siemens, Pininfarina, Ital Design, Torino Design, Zagato, BMW, Magna Steyr, AVL, phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam, cũng chính là sự bảo chứng quan trọng cho chiếc xe có logo là 3 chữ V lồng vào nhau (đây cũng là một thông điệp thú vị).

Chiến tướng cũng bất ngờ

Nhưng điều khác biệt lớn nhất là: Tất cả những bước đi rất chiến lược ấy, đều được Vinfast thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục: Vài tháng. Mua GM Việt Nam, VinFast đã đẩy tốc độ thiết lập hệ thống phân phối, đại lý nhanh nhất có thể.

Đó là một thứ tốc độ không chỉ khiến người ngoài sửng sốt, mà còn khiến ngay cả chiến tướng của VinFast cũng… choáng.

Phó TGĐ VinFast, chiến tướng Võ Quang Huệ (Cựu CEO của Bosch Việt Nam), dù đã quá quen với sự chính xác đến từng giây của người Đức, vẫn tỏ ra hết sức ngạc nhiên với tốc độ mà ông Phạm Nhật Vượng đẩy tới:“Tôi từng làm việc cho BMW 24 năm 8 tháng, biết quy trình cần thiết để có được quyết định liên kết, có bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển sản xuất là rất khó. Không ngờ là với VinFast chúng tôi chỉ mất 5 tháng.

Thực sự là một tốc độ… hỏa tốc, ngay người có hiểu biết về ngành ô tô họ cũng ngạc nhiên.Với tinh thần rất quyết liệt của tập đoàn và những đồng nghiệp rất sáng tạo ở VinFast, chính tôi cũng bất ngờ với thành công từng bước nhanh như vậy”.

Ông Huệ còn ngạc nhiên, thì rất dễ hiểu sự nghi ngại về tiến độ những người ngoài VinFast.

VinFast thôn tính GM Việt Nam: Xin đừng shock! - Ảnh 1.

Nhà điều hành dự án VinFast tại Cát Hải, Hải Phòng hoàn thành xong chỉ sau 9 tháng khởi công.

Mấy tháng trước, ông Trần Khắc Huy, giám đốc kỹ thuật của Lamborghini và Bentley ở Việt Nam khẳng định mình không tin trong vòng 24 tháng VinFast có thể sản xuất được xe. Theo ông Huy, “ngay cả những hãng gạo cội về sản xuất xe hơi” cũng khó có thể làm được điều đó khi hạ tầng và công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam gần không có gì.

Từ những phân tích ấy, ông Huy nhấn mạnh: “Giấc mơ ô tô ở Việt Nam hiện nay và trong vòng 5 năm tới vẫn còn quá xa vời”.

Nhưng từng bài toán rất khó như của ông Huy đưa ra, đã được VinFast đưa ra lời nhanh chóng giải bằng nhiều bước đi thần tốc.

5 triệu USD và 3 tỷ USD

Ai cũng biết để có chiếc ô tô thương hiệu Việt, mấu chốt quan trọng nhất là mua bản quyền động cơ. Nếu chậm khâu cốt tử này, tất cả tiến trình khác sẽ chậm lại.

“Tốc độ và quyết định nhanh chính là điểm mạnh của Vingroup so với các tập đoàn khác” – ông Võ Quang Huệ nhận xét, và điều đó không phải là ngoại lệ đối với ngay cả việc “thương thảo các hợp đồng khổng lồ hàng trăm triệu USD”.

Một khoản tiền khổng lồ (lên tới hàng trăm triệu mỹ kim) cũng đã được quyết rất nhanh chóng và chuyển vào tài khoản của BMW để động cơ đó thuộc sở hữu riêng của VinFast.

Bài toán thứ hai, không chỉ là bài toán thỏa mãn thị giác khách hàng, mà còn chứng tỏ đẳng cấp của một chiếc xe xịn. Bài toán có trị giá hàng trăm triệu đô la cũng được Vingroup gật đầu rất mau lẹ để có được bản quyền mẫu thiết kế xe – từ những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Hải, một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, cũng ngạc nhiên trước tiến độ thiết kế mẫu xe: “Chỉ hơn 5 tháng để có 56 mẫu và tất cả đều rất đẹp. VinFast thực sự khiến giới yêu xe bất ngờ, thậm chí shock với sự thần tốc của họ”.

Nếu ngồi chờ công nghiệp phụ trợ ô tô ở Việt Nam thành hình, có lẽ 10 năm nữa VinFast chưa ra được chiếc ô tô đầu tiên. VinFast đi tắt bằng cách khác: Tổ chức thành công Hội thảo với 300 nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng uy tín trên thế giới.

Khi đại công trường nhà máy VinFast ở Hải Phòng còn ngổn ngang xây dựng, thì Vinfast đã công bố tháng 10/2008 sẽ có hai mẫu xe được hoàn chỉnh để tham gia triển lãm ô tô lớn nhất hành tinh – Paris Motors Show.

Mẫu sedan màu ghi xám của Vinfast sẽ xuất hiện tại triển lãm xe danh tiếng tại Pháp.

Khung vỏ hai chiếc xe mẫu này, đều được gò hàn thủ công, nhưng tốc độ hoàn thiện vẫn được đẩy lên mức chóng mặt. Một đoàn công tác được ông Phạm Nhật Vượng cử sang Đức nghiệm thu bước đầu hai chiếc xe, đã đưa ra một đánh giá rất thú vị: Xe VinFast thậm chí còn đẹp hơn cả mẫu xe tương tự của môt hãng rất lớn bên đó.

Để hoàn thành 2 chiếc xe mẫu trong thời gian ngắn kỷ lục ấy, VinFast đã không ngần ngại chi ra tới hơn 5 triệu đô la.

Để có một chiếc xe Việt Nam đầu tiên mà tiếng đóng cửa “êm thun thút” như xe ngoại xịn, động cơ và thiết kế đẳng cấp như Âu – Mỹ xịn, Vingroup đã bỏ ra tới 3 tỉ đô la cho một “trận đánh” lớn nhất từ trước đến giờ.

Điều khiến ông Võ Quang Huệ nhận lời tham gia trận đánh lớn ấy là vì “dự án đã chạm đúng giấc mơ thầm kín từ thời thanh niên của tôi”.

Con đường ô tô Việt của VinFast cũng đã chạm vào giấc mơ thầm kín của nhiều triệu người Việt. Tốc độ hiện thực hóa giấc mơ đang được đẩy nhanh tới mức chóng mặt của Vinfast trên mọi mặt trận, khiến một chuyên gia truyền thông cảm thấy “shock một cách ngọt ngào”.

“Đáng shock lắm chứ. Từ trước chỉ thấy các ông Việt Nam bị thôn tính. Giờ thì một doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm một phần của ông lớn thế giới”, anh nói.

9 năm trước, ông Phạm Nhật Vượng quyết định bán Technocom (lúc bấy giờ là đối thủ mạnh nhất trong lĩnh vực mì ăn liền ở Ukraina) cho ông lớn toàn cầu Nestle, để trở về quê hương lập nghiệp.

9 năm sau, ông Vượng mua lại GM Việt Nam từ tay ông lớn toàn cầu GM. Trong lễ ký kết trưa hôm qua, ông Barry Engle, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Chủ tịch GM Quốc tế gọi Vinfast là “một đối tác địa phương mạnh nhất.

Từ một đối thủ mạnh nhất trong một lĩnh vực hẹp ở xứ người, Vingroup đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành số 1 Việt Nam.

Việc thôn tính GM Việt Nam, biết đâu chỉ là bước khởi đầu của một vòng quay 9 năm đầy bất ngờ mới: Ông Vượng sẽ mang VinFast quay trở lại Nga, Ukraina, Đông Âu như lời khẳng định với cổ đông Vingroup: “VinFast cạnh tranh với Lada, Volga chẳng nhẽ lại không thành công hay sao?”.

Với những bước tiến thần tốc, táo bạo, bất ngờ như thế, nhiều người tin rằng giấc mơ đi từ “một đối tác địa phương mạnh nhất” đến “một đối tác đa quốc gia hùng mạnh” của Vingroup, cũng đang dần trở thành hiện thực…

General Motors Việt Nam hoạt động ra sao trước khi về “một nhà” với VinFast?

Bài viết mới