“Việc tuyển dụng cựu Phó chủ tịch General Motors thể hiện rõ quyết tâm của Vinfast trong việc trở thành doanh nghiệp trong nước đầu tiên sản xuất thành công động cơ ôtô”. Đó là chia sẻ của ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng công nghiệp ôtô Việt Nam trong 20 năm qua không làm được gì. Ông bình luận thế nào?
Đúng là nếu điểm lại ngành công nghiệp ôtô trong 20 năm vừa qua thì nó chưa phát triển như mong muốn. Tuy nhiên, nếu nói rằng chúng ta chưa có ngành công nghiệp ôtô, 20 năm qua chưa làm được cái gì thì cũng hơi cực đoan. Vẫn có những doanh nghiệp tìm ra được cách làm như Trường Hải, Thành Công, dù là rất vất vả.
Công nghiệp ôtô vất vả như vậy thì công nghiệp hỗ trợ có khả quan hơn, thưa ông?
Thời gian qua, vì ngành công nghiệp ôtô như thế khiến các doanh nghiệp không đầu tư lắm vào công nghiệp hỗ trợ, làm cho công nghiệp hỗ trợ rất khó khăn, èo uột. Đấy là yếu tố khách quan về mặt thị trường.
Về chủ quan, các doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đa số là nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Họ gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, đất đai, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại.
Đặc biệt là sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất kém. Khi không có sự liên kết thì cạnh tranh sẽ khốc liệt, mỗi ông đều tự đầu tư cùng công nghệ sẽ lãng phí, không có điều kiện đi sâu vào công nghệ cao, công nghệ hiện đại.
Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã mở rộng sản xuất, thậm chí tập đoàn Vingroup vừa khởi công dự án tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện Vinfast. Ông nghĩ gì về điều này?
Đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Hành động của các doanh nghiệp trên cho thấy họ rất tự tin vào khả năng chiếm lĩnh thị trường ôtô trong nước rất tiềm năng. Riêng với Vingroup, qua những dự án tập đoàn này đã từng làm thì tôi tin là họ sẽ làm được.
Thứ nhất là họ chuẩn bị dự án rất kỹ, đặc biệt là nghiên cứu thị trường. Thứ hai là họ xây dựng dự án rất cẩn thận, tỉ mỉ, đánh giá, lường trước được các rủi ro có thể xảy ra.
Thứ ba là họ biết tuyển chọn con người giỏi và các nhân sự này đều thành công trong các lĩnh vực đã tham gia, như cựu Phó chủ tịch General Motors James B.DeLuca hay cựu Tổng giám đốc Robert Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ trong dự án Vinfast. Với cách làm chuyên nghiệp như thế, tôi tin là dự án ôtô Vinfast sẽ thành công.
Vinfast đặt mục tiêu sản xuất động cơ theo công nghệ Âu, Mỹ. Đây có phải lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một doanh nghiệp trong nước sản xuất được động cơ? Vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc sản xuất động cơ này là gì, thưa ông?
Việc sản xuất động cơ là hướng đi đúng đắn, và từ trước đến nay, Chính phủ luôn khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất động cơ, bộ truyền động và hộp số do các bộ phận này là quan trọng nhất trong một chiếc xe ôtô.
Nếu Vinfast có thể sản xuất thành công, thì đây sẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp trong nước sản xuất được động cơ ôtô. Việc này có ý nghĩa to lớn vì đây là một sản phẩm có hàm lượng công nghệ cực cao và sẽ góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng như giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho ôtô của Vinfast.
Với những tín hiệu khởi sắc như vậy của ngành công nghiệp ôtô thì công nghiệp hỗ trợ sẽ được hưởng lợi như thế nào?
Với thực tế hiện nay, tôi tin là công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ có tương lai phát triển và kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trên nhiều lĩnh vực: cơ khí, nhựa, cao su, hóa chất, điện – điện tử…
Với tỷ lệ nội địa hóa được Trường Hải, Thành Công đặt mục tiêu khoảng 40%, hay như Vinfast là 60% thì khả năng của ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có thể đáp ứng được, tất nhiên là với những chính sách hỗ trợ hết sức cụ thể.
Về công nghệ – thiết bị, chúng ta hoàn toàn có thể nhập những máy móc hiện đại về để sản xuất. Đối với việc vận hành, sản xuất thì tôi khẳng định công nhân Việt Nam rất sáng tạo và có thể đảm đương tốt.
Đặc biệt, chúng ta cần làm tốt khâu hợp tác-liên kết thì công nghiệp hỗ trợ mới có thể phát triển bứt phá. Làm được việc này, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp ôtô toàn cầu, trở thành mắt xích trong đó thì giá trị mang lại là rất lớn và sẽ mang lại những lợi ích cho cả nền kinh tế.
Vì khi công nghiệp hỗ trợ phát triển sẽ kích thích một loạt các ngành công nghiệp cơ bản như luyện kim, chế tạo máy, vật liệu mới… phát triển theo.
Theo tôi, định hướng cho công nghiệp hỗ trợ là cần chọn ra một số chi tiết để tập trung đầu tư sản xuất với số lượng lớn, chất lượng cao để đáp ứng trước hết là cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước, sau đó là các nước ASEAN, và xa hơn nữa có thể là cung cấp trên phạm vi toàn cầu.