Vinatex: Những gam màu tối và ẩn số “mỏ vàng” Coats Phong Phú

Trong khi hai “gà nhà” của Bộ Công Thương là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HOSE: BHN) và Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) đều tăng rất mạnh kể từ khi chào sàn, thì cổ phiếu VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (UPCoM: VGT) giao dịch rất ảm đạm.

Sau 9 tháng chào sàn, cổ phiếu VGT hiện đang giao dịch ở 11.300 đồng/CP, giảm hơn 34% so với ngày đầu tiên niêm yết và gần như đi ngang trong suốt thời gian qua.

Diễn biến giá VGT từ khi bắt đầu giao dịch tại UPCoM đến nay

Diễn biến đi ngang của cổ phiếu VGT không mấy khó hiểu khi Tập đoàn vẫn đang vật lộn trong hành trình cải cách, đầu tư để khẳng định vị thế đầu ngành và vươn tầm thế giới.

Bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra cuối tháng 6/2017, ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex nhận định tình hình kinh tế thế giới 2017 có khả năng dần hồi phục. Việc Mỹ có thể sẽ điều chỉnh tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng dệt may sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam như tăng thị phần tại Mỹ, dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt khó khăn cũng không ít khi dệt may Việt Nam phải cạnh tranh đơn hàng gay gắt hơn do các doanh nghiệp Việt chưa có khả năng cung cấp các giải pháp trọn gói và gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện giao hàng của các nhà nhập khẩu. Các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia tiếp tục thu hút đơn hàng nhờ các chính sách hỗ trợ về thuế, tỷ giá, trong khi các trợ lực được kỳ vọng hỗ trợ cho xuất khẩu như các Hiệp định EVFTA, TPP đều chưa có hiệu lực năm 2017.

Đồng thời, chi phí đầu vào cũng tăng cao (đặc biệt là chi phí tiền lương, bảo hiểm, vận chuyển và giá điện), giá bán đầu ra liên tục bị khách hàng yêu cầu giảm giá. Ngành dệt may Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, vận hành được máy móc thiết bị hiện đại, đặc biệt là ở khâu Dệt – Nhuộm.

Coats Phong Phú “cứu nguy” lợi nhuận quý 2 toàn tập đoàn

Trong nửa đầu năm 2017, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 8.280 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Song biên lãi gộp giảm từ 11,57% xuống 10,2% khiến lãi ròng của Vinatex chỉ đạt 303,4 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Phần lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ đạt 160,7 tỷ đồng, tăng hơn 3 tỷ so với 6 tháng đầu năm 2016.

Quý I/2017, do ảnh hưởng của các nhà máy đã hoàn thành chính thức đi vào vận hành từ tháng 6/2016 như sợi Nam Định, sợi Phú Cường, may Cần Thơ, may Bạc Liêu, may Quảng Bình vẫn đang trong giai đoạn thua lỗ kế hoạch tính đến quý I/2017 khiến lợi nhuận của toàn tập đoàn giảm sút. Đến quý II/2017 lợi nhuận Tập đoàn tăng cao hơn cùng kỳ năm trước là nhờ ghi nhận lãi 174,5 tỷ đồng của Công ty Coats Phong Phú (trên tổng lãi trước thuế của cả tập đoàn là 196 tỷ).

Coats Phong Phú là công ty liên kết của Tổng CTCP Phong Phú (công ty con của Tập đoàn Dệt may Việt Nam) với tỷ lệ sở hữu 35%, nửa đầu năm Coats Phong Phú đạt 499 tỷ đồng lợi nhuận ròng (trong khi vốn điều lệ chỉ 243 tỷ).

Tuy nhiên, đây cũng là điểm mà kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ trong BCTC bán niên soát xét của Vinatex. Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết Tập đoàn đang ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty TNHH Coats Phong Phú được hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu với giá trị ghi sổ là 412,3 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2017. Phần sở hữu của Tập đoàn trong lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2017 trị giá 100,4 tỷ đồng, đang ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất. Song, đơn vị kiểm toán không thể tiếp cận sổ sách và chứng từ kế toán của Công ty TNHH Coats Phong Phú hay trao đổi thông tin với đơn vị kiểm toán của công ty liên kết này nên không thể thực hiện các thủ tục soát xét cần thiết để xác định có cần điều chỉnh số liệu hay không.

Tập đoàn cho biết đã đề nghị Tổng CTCP Phong Phú và Coats Phong Phú cho phép KPMG soát xét các tài liệu liên quan. Nhưng đến 30/8/2017 KPMG vẫn chưa được tiếp cận sổ sách cũng như trao đổi với đơn vị kiểm toán của công ty liên kết này nên đã đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Theo tìm hiểu, Công Ty TNHH Coats Phong Phú là công ty liên doanh giữa Công ty Coats Plc. (Anh Quốc) và Tổng công ty CP Phong Phú (Vinatex sở hữu 51% vốn). Coats Phong Phú chuyên sản xuất chỉ may cao cấp phục vụ cho hàng may mặt và giày da xuất khẩu, vốn điều lệ 243,5 tỷ đồng. Sản phẩm của Công ty có mặt ở Miền Nam, Miền Bắc, Miền Trung của Việt Nam và Campuchia.

Nợ vay gần 10.000 tỷ đồng, gần 600 tỷ nợ xấu đã trích lập 90%

Tổng tài sản của Tập đoàn tính đến cuối quý II/2017 là 20.788,8 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định chiếm gần 31% với 6.382 tỷ đồng, 19% phân bổ ở khoản phải thu gồm 3.140 tỷ phải thu ngắn hạn và 816 tỷ phải thu dài hạn.

Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên cho biết Vinatex có khoản nợ quá hạn giá gốc 474,6 tỷ đồng đã dự phòng 420,4 tỷ đồng. Đây là các khoản cho Công ty TNHH ITG Phong Phú (110,6 tỷ), Công ty TNHH Dệt May Hoàng Anh (36 tỷ), CTCP Tập đoàn An Phát (40.3 tỷ đồng) vay đã quá hạn từ 2 đến trên 3 năm và các khách hàng khác 287 tỷ quá hạn trên 6 tháng. Ngoài ra, Tập đoàn còn khoản nợ trong hạn nhưng khó có khả năng thu hồi đã được trích lập hoàn toàn tại CTCP Dệt may Liên Phương trị giá 119,3 tỷ.

Tập đoàn đang sử dụng tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản ở mức 64%, riêng nợ vay là 9.943 tỷ đồng gồm 4.819 tỷ vay ngắn hạn và 5.032 tỷ vay dài hạn. Trong đó, Tập đoàn có khoản vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 1.440 tỷ đồng (hạn mức 105 triệu USD và chịu lãi suất năm thả nổi điều chỉnh 6 tháng 1 lần).

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Tập đoàn cũng có nguyện vọng được sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay từ ADB. Cụ thể, thực hiện Hiệp định của Chính phủ với ADB ngày 10/11/2015, Vinatex đã được ADB cho vay số tiền 100 triệu USD từ nguồn vay thông thường và 5 triệu USD từ nguồn vay vốn đặc biệt, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay. Đến thời điểm hiện tại, Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại, do vướng mắc về tài sản đảm bảo nên chưa giải ngân được.

Tập đoàn cho biết đã nhiều lần đề xuất được dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo (Vinatex là công ty mẹ nên tài sản chính là cổ phiếu của các đơn vị thành viên) nhưng Bộ Tài chính không chấp thuận. Mặc dù số cổ phiếu này có giá trị cao gấp nhiều lần so với mệnh giá cùng với đặc điểm cổ phiếu cũng là tài sản có thanh khoản cao, dễ chuyển đổi thành tiền hơn các tài sản cố định.

Việc không chấp thuận này khiến hiện nay Vinatex đang sử dụng tiền mặt để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay. Đối với những khoản vay chưa giải ngân được, Tập đoàn phải thanh toán phí cam kết đối với ngân hàng gây nhiều lãng phí, đồng thời không giải ngân được vốn vay đã được chấp thuận khiến cho hoạt động kinh doanh của Vinatex cũng như doanh nghiệp thành viên bị ảnh hưởng.

Một vấn đề khác mà kiểm toán nhấn mạnh là Tập đoàn có 363 tỷ khoản phải nộp ngân sách, do đây là phần giá trị tăng thêm khi định giá lại các khoản đầu tư tài chính, chứng khoán để xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Tập đoàn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ được chậm nộp cho đến khi bán được khoản đầu tư hay các đơn vị nhận đầu tư phân chia cổ tức cho các cổ đông từ khoản thặng dư đã được dùng để định giá lại nhưng tối đa không quá 5 năm.

Đến thời điểm phát hành BCTC bán niên soát xét 2017, Bộ Tài chính cùng bộ Công Thương vẫn đang làm việc với Vinatex theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ là tính toán xác định chính xác phần chênh lệch và đưa ra số tiền Vinatex phải nộp.

Cổ đông chiến lược đề nghị rút vốn

Sau khi Vinatex lên sàn được một tháng, cổ đông chiến lược là CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (V.I.D) đề nghị được chuyển nhượng sớm toàn bộ 70 triệu cổ phần đang sở hữu, tương đương 14% vốn Tập đoàn. VID cùng với Vingroup là hai nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của Vinatex trong đợt IPO vào tháng 9/2014. Theo như cam kết, cổ đông chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ ngày Tập đoàn được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp CTCP lần đầu. Trong trường hợp đặc biệt cổ đông chiến lược cần chuyển nhượng số cổ phần trước hạn thì phải được ĐHĐCĐ chấp thuận.

Thực tế thì Vinatex đã lấy ý kiến cổ đông ngay sau đó và có kết quả thông qua việc V.I.D thoái vốn. Tập đoàn cho biết tại ngày 30/6, V.I.D vẫn đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thoái vốn.

Được biết, Vinatex mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất được thoái hết vốn Nhà nước tại Tập đoàn. Lý do đưa ra là Vinatex không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn trong chương trình tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, Vinatex bắt buộc phải cải tổ và có những cổ đông chiến lược bên ngoài hỗ trợ trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quyết liệt.

2017-2020 là giai đoạn phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư

Trước bối cảnh ngành còn nhiều khó khăn thách thức, ban lãnh đạo Vinatex xác định con đường duy nhất của Vinatex nói riêng và dệt may Việt Nam nói chung là phải tăng được thị phần, lấy được khách hàng của các quốc gia dệt may khác. Muốn được như vậy thì Vinatex buộc mình đứng trước áp lực đổi mới công nghệ. Và giai đoạn 2017-2020 là giai đoạn phải thắt lưng buộc bụng để đầu tư mạnh vào công nghệ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng cần nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới một tập đoàn quy mô khu vực và quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ CBCNV, đáp ứng điều kiện mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Được biết, năm 2016, Tập đoàn triển khai thực hiện 57 dự án đầu tư gồm dự án chuyển tiếp từ 2015 lẫn dự án mới khởi công, tổng đầu tư 6.926,3 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án ở lĩnh vực sợi (2.073 tỷ), 9 dự án dệt nhuộm (1.399,5 tỷ), 13 dự án may (1.225,8 tỷ) và 7 dự án nâng cấp, sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị (277,2 tỷ), 1 dự án di dời Tổng công ty Dệt may Nam định (711,6 tỷ) và 18 dự án thuộc lĩnh vực khác (1.242,2 tỷ đồng).

Bài viết mới