Như ICTnews đã thông tin , chiều ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì lễ công bố phát hành Sách Trắng CNTT-TT năm 2017.
Theo ấn phẩm này, hạ tầng CNTT-TT tiếp tục đóng vai trò là kết quả hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, Tại Quyết định 149 ban hành ngày 21/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020. Với quan điểm viễn thông là hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình đã đề ra 9 giải pháp cơ bản để thực hiện 2 mục tiêu cụ thể là băng rộng cho cộng đồng và băng rộng cho công sở.
Đặc biệt, sau thời gian thử nghiệm, từ tháng 10/2016, 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chính thức được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông 4G LTE.
Theo số liệu tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động (3G).
Số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT 2017 cũng cho thấy, thời gian qua thị trường viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Năm 2016, cả nước có 74 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, giảm 6 doanh nghiệp so với năm 2015; số doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ Internet là 51, giảm 1 doanh nghiệp so với năm 2015. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông, Internet năm 2016 đạt 136.499 tỷ đồng, tương đương 6,16 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2015.
Tổng thuê bao điện thoại di động phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn và dữ liệu (cả 2G và 3G) đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 triệu thuê bao băng rộng di động (3G), đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao truy cập băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu thuê bao.
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động mặt đất phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn, dữ liệu (2G và 3G) của Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017)
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê trong Sách Trắng CNTT-TT năm 2017, trong năm 2016, thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông di động (gồm cả 2G và 3G) tiếp tục có sự góp mặt của 5 doanh nghiệp là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và GTel. Tuy nhiên, so với số liệu tại thời điểm năm 2013 đã được công bố trong Sách Trắng CNTT năm 2014, trong khi 2 doanh nghiệp lớn là Viettel và VNPT nâng được tỷ lệ nắm giữ trong “miếng bánh” thị trường dịch vụ di động, thì 3 nhà mạng khác là MobiFone, Gtel và Vietnamobile đều bị thu hẹp thị phần dịch vụ viễn thông di động.
Cụ thể, Viettel đã nâng thị phần dịch vụ viễn thông di động từ 43,5% của năm 2013 lên chiếm 46,7% trong năm 2016; VNPT chiếm 22,2% thị phần, tăng 4,8% so với năm 2013. Thị phần dịch vụ viễn thông di động của MobiFone bị giảm mạnh hơn cả, từ chỗ chiếm 31,78% thị phần năm 2013 thì đến năm 2016 con số này là 26,1%. Tỷ lệ giảm thị phần dịch vụ viễn thông di động của Vietnamobile và GTel trong năm 2016 so với thời điểm 2013 lần lượt là 1,17% (từ 4,07% xuống còn 2,9%) và 1,12% (từ 3,22% xuống còn 2,1%).
Thị phần các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động mặt đất phát sinh lưu lượng thoại và tin nhắn (2G) của Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017)
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động mặt đất phát sinh lưu lượng thoại, tin nhắn, dữ liệu (3G) của Việt Nam năm 2016 (Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017)
Trong đó, nếu xét riêng về thị phần (thuê bao) dịch vụ 2G, Viettel dẫn đầu, chiếm 42,5%; tiếp đó là MobiFone và VNPT, lần lượt nắm giữ 30% và 21,5% thị phần. Tương tự, đối với thị trường cung cấp dịch vụ 3G, năm 2016 số thuê bao di động 3G của mạng Viettel chiếm tới 57,7% tổng số thuê bao 3G, tăng hơn 16% so với năm 2013. Còn thị phần dịch vụ 3G của VNPT là 23,9%, tăng 1,4% so với năm 2013; thị phần dịch vụ 3G của MobiFone bị giảm từ 33,5% năm 2013 xuống còn 16,1% năm 2016.
Về thị phần (thuê bao) của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ băng rộng cố định mặt đất, trong số các doanh nghiệp đang triển khai kinh doanh dịch vụ này, năm 2016, thị phần của VNPT vẫn lớn nhất, chiếm 46,1%; tiếp đó là Viettel, chiếm 26,1%; FPT chiếm 18,6%; SCTV chiếm 5,7%; và 3,5% thi phần dịch vụ băng rộng cố định mặt đất thuộc về các doanh nghiệp khác như CMC, SPT, NetNam, GDS, VTC…
Thị phần (thuê bao) các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ băng rộng cố định mặt đất tại Việt Nam năm 2016.
Cùng với lĩnh vực viễn thông, Internet, ấn phẩm Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017 còn cung cấp thông tin, số liệu thống kê chính thức về các lĩnh vực khác do Bộ TT&TT quản lý như ứng dụng CNTT, Công nghiệp CNTT, An toàn thông tin; Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Bưu chính; Nghiên cứu và đào tạo về CNTT-TT…
Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, điểm mới của Sách Trắng CNTT-TT 2017 so với các năm trước là bổ sung một số chỉ tiêu phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin để quản lý và thúc đẩy phát triển CNTT-TT Việt Nam như: dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, chỉ số đo lường khán giả truyền hình, thông tin số liệu về tình hình phát triển lĩnh vực dịch vụ CNTT… Đồng thời, các nội dung, thông tin được công bố và phát hành trên các ấn phẩm khác như số liệu về các tổ chức, doanh nghiệp CNTT, các sự kiện CNTT-TT tiêu biểu… đã được lược bớt trong Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2017.
Cũng theo ông Tuyên, thời gian tới, Vụ CNTT sẽ phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế để dịch ấn phẩm này sang tiếng Anh và phối hợp với Nhà xuất bản TT&TT in, phát hành phiên bản tiếng Anh của Sách Trắng CNTT-TT 2017. Dự kiến, phiên bản tiếng Anh của Sách Trắng CNTT-TT 2017 sẽ được phát hành vào tháng 10/2017.
“Bộ TT&TT mong muốn Sách Trắng CNTT-TT 2017 tiếp tục là ấn phẩm hữu ích giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định xây dựng chính sách, đồng thời cung cấp thông tin có giá trị cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tham khảo cho hoạt động kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT góp phần cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT-TT tại Việt Nam”, đại diện Vụ CNTT chia sẻ.