Trong chuyến thăm Myanmar, dự án của Tập đoàn Viettel nhận được sự quan tâm đặc biệt khi Tổng Bí thư cùng Phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe cùng tới thăm và chứng kiến nhiều hoạt động khởi đầu quan trọng của công ty này, mà một trong số đó là khánh thành trụ sở tại Yangon. Mytel cũng chọn thời điểm Tổng Bí thư có chuyến thăm chính thức tới Myanmar để cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên: cho thuê kênh.
Ngày 26/8, lãnh đạo hai nước cũng chứng kiến lễ kí kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Mytel và Bộ giáo dục Myanmar. Thỏa thuận hợp tác gồm 3 nội dung chính: Kết nối Internet cho 1.535 trường học trên khắp lãnh thổ Myanmar, nguồn ngân quỹ chính hàng năm trong vòng 3 năm cho cuộc thi Tin học Quốc tế và hợp tác phát triển hệ thống phần mềm quản lý giáo dục. Đây sẽ dự án cộng đồng đầu tiên trong cam kết đóng góp cho các chương trình trách nhiệm xã hội với tổng giá trị lên tới 80 triệu USD trong vòng 15 năm của Mytel.
Thực tế, dự án này nhận được mối quan tâm lớn bởi Mytel có tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,5 tỷ USD (Viettel góp 49%). Số vốn ở dự án này chiếm tới 66% tổng số vốn đầu tư của Việt Nam tại Myanmar và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 7 (trước đó là thứ 10) trong số những nhà đầu tư nước ngoài tại đây và trở thành nhà đầu tư thứ 2 đến từ ASEAN. Liên doanh giữa Viettel với 2 đối tác Myanmar mới được cấp phép hồi đầu năm.
Theo TTXVN, phát biểu tại buổi làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar đã thành công tốt đẹp. Hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar phát triển sâu rộng và toàn diện hơn.
Tổng Bí thư chúc mừng Mytel được thành lập và bước đầu hoạt động tại Myanmar. Đây là dịp tốt để tính toán phương hướng làm ăn kinh doanh sắp tới; triển khai những thỏa thuận hợp tác đã đạt được sao cho hiệu quả, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, mà phải hết sức chú ý tính chính trị, ngoại giao, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý Mytel không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, mà thông qua hoạt động kinh doanh, khẳng định và nâng cao uy tín của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, giá trị Việt Nam. Viettel là đơn vị của quân đội hoạt động kinh tế hiệu quả và đã khẳng định được uy tín của mình, làm sao để lan tỏa từ Viettel sang Mytel. Tổng bí thư cũng nhận xét thêm, Tại thị trường Myanmar, Viettel tiếp tục là một trong những cầu nối quan trọng của tình hữu nghị và hợp tác, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của hai nước.
Đồ hoạ: Hương Xuân
Dự án điểm sáng của Việt Nam tại Myanmar có gì đặc biệt?
Mới nhận giấy phép liên doanh đầu năm nay và cung cấp dịch vụ đầu tiên vào tháng 8/2017 nhưng Tập đoàn Viettel đã “trường kỳ mai phục” tại quốc gia này từ năm 2002 khi còn chưa có dự án đầu tư ra nước ngoài nào. Khi đó, Myanmar được coi như thị trường viễn thông còn “trinh nguyên” cuối cùng của thế giới, bởi biệt lập với thế giới bên ngoài từ ảnh hưởng cấm vận từ Mỹ và phương Tây.
Sau 15 năm mới được cấp phép và đầu tư, Tập đoàn đến từ Việt Nam dự kiến đầu tư lớn vào quốc gia này. Myanmar là quốc gia có dân số lớn nhất trong số 10 thị trường nước ngoài của Viettel (55 triệu người). Theo dự kiến, Mytel (tên thương hiệu của Viettel tại đây) sẽ cung cấp dịch vụ di động vào quý 1/2018 với mạng 4G Only đầu tiên trên thế giới (chỉ đầu tư 4G, bỏ qua 2G và 3G). Vào thời điểm khai trương, Mytel sẽ là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar với 7.200 trạm phủ sóng tới 90% dân số quốc gia này, và 33.000 km cáp quang – gấp 2 lần đối thủ lớn nhất.
Hiện tại, thị trường viễn thông Myanmar chiếm lĩnh bởi ba nhà mạng là MPT (sở hữu nhà nước) với 42% thị phần, Telenor (Nauy) chiếm 35% thị phần và Ooredoo (Qatar) chiếm 23%. Mytel là nhà mạng thứ 4.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel nói với báo giới rằng khi Myanmar chọn Viettel làm đối tác đầu tư vào hạ tầng có nghĩa quốc gia này rất tin cậy Việt Nam về mặt chính trị, năng lực tài chính, kinh nghiệm, khả năng về công nghệ của doanh nghiệp Việt. “Myanmar khi chọn Viettel thì cũng kỳ vọng Viettel và Việt Nam đem đến kinh nghiệm trong 30 năm đổi mới của chúng ta”, ông Hùng nói.
Người đứng đầu Viettel cũng cho biết thêm, Mytel sẽ áp dụng chính sách gọi giữa các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar là như nhau (như gọi trong nội địa với các thuê bao thuộc hệ thống mạng của Viettel), như đã triển khai rất thành công giữa Việt Nam-Lào-Campuchia. Điều này thể hiện tính chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam cũng như Viettel trong công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh.