Vietcombank đa dạng cấu trúc nguồn thu

Ngân hàng Vietcombank có nhiều nguồn thu từ đa dịch vụ, kiểm soát chi phí hoạt động khá tốt, quản trị hiệu quả nguồn vốn, duy trì lợi nhuận.

Theo đại diện Vietcombank, dù thị trường có nhiều khó khăn nhưng tính đến hết năm 2022 ngân hàng vẫn đạt hiệu quả kinh doanh nhờ sự đa dạng trong cấu trúc lợi nhuận và tiết giảm chi phí vận hành.

Đầu tiên là thu nhập từ lãi chiếm khoảng 77%, thu dịch vụ (sau khi thực hiện miễn toàn bộ phí giao dịch chuyển tiền trên kênh số, phí quản lý tài khoản… với số phí đã miễn ước tính trên 1.500 tỷ đồng) đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, có sự đóng góp lớn của dịch vụ tài trợ thương mại, với doanh số tăng trưởng 32% và thị phần nâng từ 15% lên 18,5%, thêm 3,5% so với năm trước, thu nhập thuần từ dịch vụ tài trợ thương mại tăng trưởng tới 46%.

Một nguồn thu dịch vụ khác là phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance). Đây là năm thứ 3, Vietcombank triển khai thỏa thuận với đối tác Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam phát triển loại hình dịch vụ này. Tốc độ tăng trưởng doanh số từ bancassurance trong năm qua lên tới 135%, gấp đôi so với mức tăng bình quân chung của toàn thị trường.

Ngoài ra, đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả thu ngoài lãi còn có sự góp mặt của nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ với tốc độ tăng trưởng thu nhập gần 32% trong năm qua.

Xét về chi phí hoạt động, Vietcombank kiểm soát chi phí hoạt động khá tốt, thể hiện ở hệ số CIR thấp chứng tỏ hiệu quả hoạt động tài chính cao. Năm 2022, hệ số CIR của ngân hàng được quản trị ở mức 31%, tương đương năm 2021, thấp hơn mức 34-35% của các năm trước.

Một điểm nổi bật tiếp theo về kiểm soát chi phí là trích lập dự phòng rủi ro. Năm 2022 nhiều khó khăn nhưng nhờ kiểm soát tốt chất lượng tín dụng nên chi phí dự phòng dù đã được trích lập đầy đủ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế, ở mức 9.400 tỷ đồng, thấp hơn mức 11.700 tỷ đồng của năm 2021. Đây chính là yếu tố quan trọng làm cho lợi nhuận ngân hàng gia tăng.

Hiện tại chi phí tín dụng (Cost of credit) của Vietcombank là 0,8%, mức thấp so với chỉ số 1,3-1,5% của nhiều năm trước. Ngân hàng cũng thiết lập tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao lên đến 465%.

Một yếu tố nữa tạo nên hiệu quả hoạt động của Vietcombank trong năm 2022 là NIM (Net Interest Margin), phản ánh sự chênh lệch tỷ lệ giữa thu nhập lãi và chi phí lãi của ngân hàng. Theo đó, NIM đã được cải thiện từ mức 3,27% của năm 2021 lên 3,51% trong năm 2022. Bên cạnh việc quản trị hiệu quả nguồn vốn – sử dụng vốn thì NIM có sự cải thiện một phần nhờ ngân hàng duy trì tỷ trọng vốn không kỳ hạn (CASA) ở mức 34%, xếp thứ 4 toàn thị trường về tỷ trọng (sau Techcombank, MB, MSB). Ngoài ra, việc tiếp tục dịch chuyển cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng gia tăng tỷ trọng bán lẻ cũng là một yếu tố giúp cải thiện NIM. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tại Vietcombank cuối năm 2022 đã ở mức 55,1%.

Năm 2021, Vietcombank nộp ngân sách và chia cổ tức bằng tiền mặt đạt 11.300 tỷ đồng. Năm 2022 ngân hàng chưa thực hiện chia cổ tức nhưng riêng nộp ngân sách đã lên tới hơn 8.400 tỷ đồng, duy trì vị trí doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất nền kinh tế.

Tiếp đó là chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất. Tháng 11 và 12/2022, ngân hàng giảm đồng loạt 1% lãi suất cho khách hàng, chấp nhận giảm thu nhập gần 500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Vietcombank, từ 1/1/2023 đến 30/4/2023, ngân hàng sẽ giảm tiếp 0,5% lãi suất đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu VND.

Tính đến thời điểm hiện tại, quy mô vốn hóa của Vietcombank lên tới 16,5 tỷ USD, đứng thứ 100 trong số các ngân hàng niêm yết lớn nhất trên toàn cầu về quy mô vốn hóa, theo xếp hạng của Reuters.

Minh Huy

Bài viết mới