Hậu quả dưới thời Hùng Vương lộ diện
Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm tài chính 2017 (01/10/2016-30/9/2017) và quý I/2018 (01/10/2017-31/12/2017) vừa của CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng ( VTF ) vừa mới công bố đã lộ diện khoản lỗ khủng.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2017 của VTF ghi nhận đã phát sinh khoản lỗ ròng 376 tỷ đồng, so với 118 tỷ đồng lợi nhuận ròng ghi nhận trong năm trước đó thì đây là kết quả bi đát nhất của VTF từ trước đến nay.
Trước đó, báo cáo tự lập của VTF công bố chỉ ghi nhận khoản lỗ ròng chỉ 37 tỷ đồng, thấp hơn gần 340 tỷ đồng con số sau kiểm toán. Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ lớn trên là do VTF phải trích trích lập dự phòng cho khoản phải thu treo trên báo cáo của mình. Cụ thể, con số trích lập tăng trêm 314 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 290 tỷ đồng so với con số trích lập trong năm. Trong đó có các khoản thu lớn từ 2 cá nhân và các bên liên quan.
Nguồn: BCTC Kiểm toán 2017
Đến 30/9/2017, VTF đang nợ tổng cộng 2.028 tỷ đồng nợ vay gồm 1.516 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn và 512 tỷ đồng dài hạn tại các ngân hàng. Đáng chú ý là khoản trái phiếu dài hạn 200 tỷ đồng từ NH TMCP Quốc Tế Việt Nam(VIB) phát hành cuối 2015 còn lại 159 tỷ đồng đã được chuyển thành khoản vay dài hạn do VTF không thể đáp ứng đúng tiêu chuẩn năng lực trả nợ theo hợp đồng. Trong khi đó, lượng tiền trên báo cáo chỉ còn 16,5 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn lớn càng cho thấy bức tranh tài chính của VTF đã đến hồi kiệt quệ.
Tình hình không cải thiện hơn khi đến quý I/2018, VTF tiếp tục báo lỗ thêm 62 tỷ đồng. Lần này, khoản lỗ đến trực tiếp từ hoạt động kinh doanh chính bộc lộ sự sụt giảm một cách đáng ngại.
Doanh số trong quý I/2018 giảm đến 38% so với cùng kỳ năm trước dù công ty đã chi thêm tiền cho hoạt động bán hàng, cùng với giá thành cao khiến lãi gộp sụt giảm mạnh từ mức 76 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 12,3 tỷ đồng. Con số quá nhỏ bé so với các khoản chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Theo đó, chốt sổ năm 2017, VTF đã lỗ luỹ kế 292 tỷ đồng. Đến 31/12/2017, nợ vay của VTF ở mức 2.125 tỷ đồng, tăng thêm 100 tỷ đồng so với ngày 30/9/2017, chiếm đến 2/3 tổng nguồn vốn. Điều này tạo thêm áp lực rất lớn đối với VTF trong bối cảnh hoạt động kinh doanh đang lao dốc.
Từng một thời có của ăn của để và ít nợ. Nhưng kể từ khi về với chung nhà với Hùng Vương Group năm 2012, VTF đã hoàn toàn thay đổi. Việc bạo chi cho hoạt động đầu tư mở rộng kinh doanh tràn lan đã đẩy VTF vào tình thế khó khăn chất chồng. Chưa kể dòng tiền thu về từ hoạt động đi vay có thể ‘chạy ra’ ngoài doanh nghiệp theo đường ‘khoản phải thu’ khiến VTF cuối cùng phải ghi nhận lỗ nặng trong năm vừa qua do phải dự phòng không thu hồi được tiền.
Kế hoạch bán vốn VTF của Hùng Vương vẫn còn là ‘ẩn số’
Với tham vọng trở thành ‘ông trùm’ Thủy Sản, Hùng Vương đã biến VTF từ một DN kinh doanh khá ổn định với những bước đi khá thận trọng bước vào cuộc chơi mới nhiều tham vọng hơn đầy rủi ro. Thế nhưng, tham vọng đó đến nay đã được kiểm chứng không chỉ với Việt Thắng mà cả hệ thống của mình đều đang mắc kẹt trong thế trận nợ nần bủa vây.
Trong nhiều năm qua, Hùng Vương liên tục đặt kế hoạch kinh doanh 1 đường mà thực hiện 1 nẻo. Không những vậy, DN này còn thường xuyên vi phạm công bố thông tin và những vấn đề về minh bạch báo cáo tài chính. Đặc biệt là sai số rất lớn giữa báo cáo công ty tự lập và báo cáo được kiểm toán.
Phía đơn vị kiểm toán cũng đưa ra nhận định tỏ rõ sự nghi ngờ đối với hoạt động của Hùng Vương: “Tập đoàn đã phát sinh khoản lỗ sau thuế gần 713 tỷ đồng. Ngoài ra cũng tại ngày này, lỗ lũy kế của công ty gần 424 tỷ đồng; tổng nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn ngắn hạn gần 820 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn”.
Trong năm qua, mặc dù HVG đã phải thanh lý một số bất động sản để trả nợ nhưng số nợ vay trên báo cáo hợp nhất đến 30/09/2017 vẫn còn hơn 7.700 tỷ đồng. Theo đó, HVG tiếp tục phải bán đi gần 21,2 triệu cổ phiếu, tương đương 54,3% vốn của đứa con cưng của mình là Thực Phẩm Sao Ta (FMC) cho Tập đoàn PAN trong năm 2017 để giảm bớt nợ nần.
Hiện HVG vẫn chưa công bố BCTC quý I/2018 kết thúc vào ngày 31/12/2017, HOSE đã có nhắc nhở về điều này. Theo đó, thông tin về thương vụ bán vốn FMC vẫn chưa được tiết lộ. Ttuy nhiên theo báo cáo của PAN năm 2017, 24,8% vốn của FMC có giá 227,5 tỷ đồng như vậy nhiều khả năng mức giá cho 54,3% vốn của Hùng Vương vào khoảng 500 tỷ đồng.
Như vậy, việc bán vốn của HVG nhiều khả năng đem về cho Hùng Vương 500 tỷ đồng doanh thu tài chính. Đồng thời, việc loại FMC ra khỏi báo cáo tài chính hợp nhất cũng giúp HVG giảm khoảng 540 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Theo đó, số nợ trên báo cáo của HVG vẫn còn rất lớn. Đích đến của đợt bán vốn tiếp theo của HVG đó là VTF, bởi đây chính là DN đang vay nợ nhiều nhất. Hiện Hùng Vương đang sở hữu 90,38% vốn tại VTF. Theo nghị quyết HĐQT HVG thông qua ngày 10/1/2018, HVG sẽ bán trên 50% vốn tại công ty này và dự kiến hoàn thành giao dịch trước ngày 15/2/2018. Nếu giao dịch thành công, HVG có thể loại toàn bộ số nợ vay 2.125 tỷ đồng ra khỏi báo cáo của mình.
Thị trường khi đó đã có nhiều đồn đoán rằng đã có đối tác đứng ra mua lại cổ phần của VTF và phản ứng tích cực lên cổ phiếu HVG trên thị trường. Tuy nhiên, sau báo cáo kiểm toán vừa được công bố phát sinh thêm khoản lỗ nặng, thương vụ bán vốn VTF có được diễn ra như đồn đoán hay không sẽ là một ẩn số lớn và nếu có thì giá trị chuyển nhượng có như kỳ vọng cũ hay không.
Riêng với cổ phiếu HVG, hiện đã giảm sâu sau khi bật tăng trước thông tin bán vốn VTF. Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về thương vụ này đã giảm đi rất nhiều.