Tối muộn đêm 15/6, Bắc Kinh đã tuyên bố đánh thuế vào 50 tỷ USD hàng hoá Mỹ, trong đó có ô tô và nông sản. Mức thuế được áp dụng là 25%, có hiệu lực từ 6/7.
Hành động trả đũa này diễn ra cùng ngày, sau khi Mỹ thông báo áp dụng mức thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 34 tỷ USD từ 6/7 tới. 16 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc khác cũng đang được xem xét.
Chiến tranh thương mại theo đó đã chính thức nổ ra. Cuộc chiến này tất nhiên không chỉ tác động đến hai quốc gia trực tiếp, các quốc gia khác đều bị ảnh hưởng giao thương, tạo nêu một bầu không khí bất ổn toàn cầu, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu công ty Nghiên cứu thị trường Analytics nói với Trí Thức Trẻ.
Trong xu thế chung đó, Việt Nam sẽ bị tác động, dù ít dù nhiều. Đơn cử như hàng hoá của Trung Quốc muốn xuất sang Mỹ muốn “lách thuế” có thể tìm cách chuyển sang Việt Nam. Điều này khiến cho hàng hoá trong nước bị ảnh hưởng xấu.
“Ví dụ như mặt hàng thép”, ông Minh nói và cho biết nếu diễn biến này xảy ra, Việt Nam có thể đối mặt với việc bị “trừng phạt” thương mại từ Mỹ, thông qua việc áp đặt thuế tương tự. Vô hình chung, các doanh nghiệp trong nước sẽ bị vạ lây.
Bên cạnh đó, hàng hoá tồn dư từ Trung Quốc có thể khiến quốc gia này đi “nước cờ” bán phá giá các nước xung quanh. Việc này sẽ tạo ra sự méo mó và bất định thị trường giao thương trong khu vực.
Do vậy, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng Việt Nam cần có những biện pháp thận trọng, đề phòng hơn trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại, không đẩy bản thân vào thế bất lợi và nhận những đòn trừng phạt không đáng có.
Vị chuyên gia này còn lưu ý thêm câu chuyện thặng dư thương mại lớn giữa Việt – Mỹ. “Những gì Mỹ nhắm và Trung Quốc đến thời điểm nào đó cũng có thể quay sang Việt Nam”, ông Minh nói.
Bởi lẽ vị Tổng thống Mỹ xuất thân là doanh nhân này luôn thích sự sòng phẳng, công bằng. “Ông Donald Trump rất chú ý các vấn đề về bản quyền, bảo hộ trí tuệ… những cái đó Việt Nam còn yếu nên bất cứ lúc nào cũng có khả năng bị sờ gáy”, ông Tuấn Minh nhấn mạnh.