Vì sao xây 37km cao tốc kết nối Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cần 10.400 tỉ đồng?

Dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cần kinh phí tới 10.436 tỉ đồng do phải thi công đoạn tuyến liên kết giữa 2 địa phương, đi qua địa hình hiểm trở, leo đèo vượt suối và phải xây dựng nhiều hầm đường bộ.

Tuyến cao tốc đi qua địa hình hiểm trở, phải xây nhiều công trình hầm nên yêu cầu mức kinh phí cao (hình minh họa)

10.400 tỉ đồng để xây 36km cao tốc liên vùng

Ban quản lý dự án 6 vừa trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Đây là dự án thi công tuyến kết nối giữa 2 địa phương do Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. 2 dự án thành phần còn lại do các địa phương có đoạn tuyến đi qua làm cơ quan chủ quản.

Được biết, dự án xuất phát tại xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối tại Km69+500 thuộc địa phận xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án khoảng 37 km, trong đó đoạn đi qua địa phận tỉnh Khánh Hòa dài 1,3 km; đoạn đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk dài 35,687 km.

Về quy mô xây dựng, tuyến đường thi công 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư dự tính khoảng 10.436 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được từ ngân sách Trung ương là 10.313 tỉ đồng; ngân sách 2 địa phương tham gia 50% chi phí GPMB là 123 tỉ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Hình minh họa cao tốc qua núi

Lộ trình hiểm trở, leo đèo vượt suối

Dự án yêu cầu kinh phí cao do đoạn tuyến đi qua nhiều địa hình hiểm trở. Cụ thể, từ điểm xuất phát tuyến đi cong nhẹ xuyên qua núi Chư Bli bằng hầm Phượng Hoàng, cửa Tây hầm Phượng Hoàng lệch về phía Bắc so với tuyến Tiền khả thi khoảng 300m, sau khi ra khỏi hầm tuyến bám sườn núi, rẽ phải vượt sông Chò và đi bám sườn núi về phía Nam sông Chò.

Tuyến tiếp tục bám sườn núi đi về phía Tây Nam, sau đó đi theo sườn phía Nam của dẫy núi Chư Noun Ngai, đi về phía Bắc của các buôn thôn 4, thôn 9, tuyến rẽ trái đi sang sườn Nam của khe, sau đó xuyên núi bằng hầm Ea Trang 1

Sau khi ra khỏi cửa Tây hầm EaTrang, tuyến đi ôm sườn núi bằng cầu cạn, tuyến đi sâu về phía đỉnh núi, vượt mom núi bằng công trình hầm Ea Trang 2, rồi rẽ phải, vượt suối và đi qua yên ngựa rồi rẽ trái nhẹ để tránh đồi. Tuyến đi bám theo địa hình, vượt sông Krông Pắc rồi rẽ phải nhẹ, đi bám theo sườn núi, đi về phía Nam của Buôn Cư Dhắt, sau đó tuyến đi song song về phía Đông Nam đường Trường Sơn Đông.

Tiếp đó tuyến bắt đầu rẽ phải vượt đường Trường Sơn Đông, sau đó đi ôm theo sườn núi, cắt qua sông Eo Lách, sau đó tuyến rẽ phải nhẹ đi về phía Bắc, vượt qua sông Ea Tông.

Tuyến sau đó rẽ phải mạnh về phía Bắc rồi đi xuyên núi bằng hầm Chư Te, ra khỏi cửa Tây hầm, đi bám theo sườn núi, rồi vượt sông Ea Dâng, sau đó tuyến đi về phía Bắc hồ Ea rớt, đi bám sườn và kết nối với dự án thành phần 3.

Trên tuyến có 5 hầm đường bộ, trong đó hầm dài nhất là Phượng Hoàng dài 1,7km. Các hầm đều được xây dựng hoàn chỉnh 2 ống hầm và các hầm ngang (nếu có) bao gồm hệ thống cơ điện, phục vụ khai thác mỗi ống hầm tổ chức giao thông một chiều, 2 làn xe.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án là 21.935 tỉ đồng được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương) và nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030.

Bài viết mới