Vì sao Việt Nam tiến vượt bậc về môi trường kinh doanh?

Các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng mới nhất của WB.

Các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng mới nhất của WB.

Ngày 31/10/2017, Ngân hàng thế giới công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2018, theo đó môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, lên vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái (vị trí 82).

Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Điểm số chung tăng 2,85 điểm phần trăm. Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc.

Trong đó, nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và tăng hạng nhiều nhất (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167). Chỉ số này được ghi nhận cải thiện trong thủ tục nộp thuế và việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng giao dịch điện tử trong thủ tục BHXH.

Chỉ số tiếp theo có sự tăng điểm và tăng hạng là Tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 nền kinh tế (tăng 32 bậc). Chỉ số này được ghi nhận cải thiện về mức độ tin cậy cung ứng điện năng thông qua vận hành hệ thống giám sát năng lượng SCADA.

Đây là hệ thống vận hành tự động hoá với chức năng quản lý, giám sát hệ thống điện qua thiết bị theo dõi các thông số kỹ thuật chính của nguồn điện, giúp tiết kiệm điện năng và bảo vệ môi trường.

Chỉ số Tiếp cận tín dụng tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190. Chỉ số này được ghi nhận cải cách nhờ mở rộng phạm vi tài sản giao dịch bảo đảm.

Chỉ số Cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái (thứ hạng 24).

Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 81/190, được ghi nhận tăng 6 bậc.

Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 3 bậc, từ vị trí 69 lên vị trí 66/190.

Tuy nhiên, vẫn còn 4/10 chỉ số môi trường kinh doanh giảm bậc, gồm Khởi sự kinh doanh (giảm 2 bậc), Đăng ký sở hữu tài sản (giảm 4 bậc), Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc) và Giải quyết phá sản doanh nghiệp (giảm 4 bậc).

Sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ sổ này (vì không có chỉ số nào giảm điểm, 3 trong 4 chỉ số tăng điểm, 1 chỉ số không thay đổi về điểm số).

Riêng đối với chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới, Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam có cải cách tích cực trong thủ tục hải quan điện tử và cơ quan hải quan làm thêm giờ để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Những cải thiện về môi trường kinh doanh được quốc tế ghi nhận như trên là kết quả của hàng loạt giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điển hình là ban hành và chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan tới hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; tập trung cải cách toàn diện quy định về điều kiện kinh doanh và quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;…

Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm Singapore (thứ 2 thế giới); Malaysia (thứ 24); Thái Lan (thứ 26); và Brunei (thứ 56); nhưng đứng trên Indonesia (thứ 72) và Philippines (thứ 113).

Đáng chú ý là trong năm nay, cùng với Việt Nam, 3 nước gồm Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc và thậm chí nhanh hơn Việt Nam. Cụ thể là Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc.

Trong đó, hai năm gần đây, Indonesia và Brunei liên tục có sự tăng hạng đáng kể và với tốc độ nhanh hơn nước ta. Năm 2016, Indonesia tăng 15 bậc, Brunei tăng 25 bậc.

Với đà cải cách mạnh mẽ của các nước trong khu vực thì mục tiêu Việt Nam đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ trở nên thách thức và đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn.

Môi trường kinh doanh Việt Nam bật tăng 14 bậc

Bài viết mới