Vì sao TPHCM dừng dự án buýt nhanh BRT trị giá gần 144 triệu USD?

Kết quả rà soát của Sở GTVT TPHCM vừa mới báo cáo UBND TPHCM cho thấy, loại hình BRT chỉ phát huy hiệu quả tại các khu dân cư phát triển mới, tập trung dày đặc dọc theo các hành lang mà tuyến xe này đi qua.

Qua rà soát, lượng khách năm đầu tiên đi BRT dự kiến khoảng hơn 17.000 lượt người/ngày. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đây là gần 25.000 lượt người/ngày.

Lượng hành khách đi BRT cao hơn không nhiều, thậm chí thấp hơn một số tuyến xe buýt. Trong khi kinh phí đầu tư BRT gần 144 triệu USD (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng).

Do đó, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM cho làm tuyến xe buýt chất lượng cao sử dụng nhiên liệu sạch trên trục đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ.

Theo đó, việc đầu tư xe buýt chất lượng cao sẽ giảm được quy mô đầu tư các hạng mục công trình so với BRT.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tiết kiệm được từ đầu tư BRT sẽ dùng để đầu tư một trung tâm điều hành quy mô lớn nhằm đảm trách toàn bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM.

Trước đó, ngày 8/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã nghe báo cáo kết quả rà soát tính khả thi của dự án BRT. Theo đó, đại diện của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (UCCI – đơn vị nghiên cứu dự án) đã báo cáo rằng qua 4 lần khảo sát, đánh giá mô hình BRT của Hà Nội cũng như tham khảo mô hình ở các nước Nam Mỹ, châu Âu, châu Á,…thì việc làm tuyến buýt nhanh tại thời điểm này là chưa phù hợp với TP.HCM.

TPHCM nên làm tuyến xe buýt chất lượng cao ở tuyến đường dự định làm BRT. Sau 5-10 năm, khi có điều kiện thì có thể nâng cấp lên BRT.

Sau khi nghe báo cáo, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã thống nhất với phương án dừng dự án BRT, thay vào đó sẽ làm tuyến xe buýt chất lượng cao.

Trước đó, dự án tuyến xe buýt nhanh BRT được nghiên cứu với chiều dài 23km, gồm 2 làn xe riêng biệt với tổng mức đầu tư gần 144 triệu USD.

Bài viết mới