Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh đang đóng khoảng 1/3 ngân sách cả nước, gần 1/5 đến 1/4 GDP Việt Nam, đấy là một khoản không hề nhỏ, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Như TS. Thiên nói, sau 40 năm giải phóng và 30 năm đổi mới, TP. Hồ Chí Minh đã trở thành siêu đô thị với dân số chính thức đang là 8 – 8,5 triệu người (thực sống là 13 – 13,5 triệu người – số liệu không chính thức). Tuy nhiên, lượng dân số này đang bị nén lại trong một không gian chật hẹp chưa đến 1.500 km2. Thành phố tuy có huyện đảo Cần Giờ, diện tích hơn 700km2 nhưng đang không có người ở nên mật độ dân số ở những khu vực trung tâm đang quá tải.
Thành phố mang tên Bác còn được xem là đầu tàu kinh tế cả nước, đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Nó phải có cơ chế riêng biệt, đầu tàu càng mạnh mới kéo được cả đoàn tàu lên, đầu tàu mà cơ chế giống toa tàu thì không làm được”, TS. Thiên nói.
Tuy nhiên, “chiếc áo” thể chế quy định, ràng buộc thành phố đang cơ bản giống những địa phương khác dẫn đến việc không còn phù hợp, đảm bảo cho thành phố giải quyết vấn đề một siêu đô thị cũng như vai trò dẫn dắt nền kinh tế.
TS. Trần Đình Thiên cho biết mặc dù ở Việt Nam, các địa phương khác còn rất lâu mới có thể đuổi kịp TP. Hồ Chí Minh, nhưng xét trên góc độ siêu đô thị so sánh với với các đô thị lớn trong khu vực thì “đã tụt hậu xa”.
“Với Singapore là tụt hậu ghê gớm, Kuala Lumpur, Bangkok đều tụt hậu xa, đấy là điểm phải xét lại vì nhiều khi chúng ta cảm thấy đã đối xử tốt với TP. Hồ Chí Minh rồi, nhưng để làm được hình mẫu kéo cả nước thì phải so sánh với các đô thị khác trên thế giới. Từ đó nhận ra được nhu cầu bức bách của việc có thể chế đặc thù cho thành phố này”, ông Thiên nhận xét.
Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã quả quyết nếu thành phố không được hưởng những chính sách đặc thù thì tốc độ tăng trưởng sắp tới chỉ còn đạt 6,3% thay vì 9,6% như hiện nay. Bởi lẽ thành phố đang tăng trưởng chậm lại, kém cạnh tranh hơn so với các tỉnh khác. Tuy nhiên, nếu được đáp ứng về thể chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được duy trì, đồng thời, thành phố có thể đóng góp được 1/4 về kinh tế cho cả nước thay vì 1/5 như hiện nay.
Ông Trần Du Lịch, một thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng thì nói rằng ông không gọi đấy là cơ chế đặc thù mà xem là cơ chế phù hợp, vì cơ chế hiện nay chưa phù hợp với thành phố.
Hiện dân số TP. Hồ Chí Minh bình quân gấp 6 lần cả nước, mật độ dân số bình quân trên 1km2 gấp 14 lần, cường độ kinh tế gấp 34 lần khiến thành phố lâm vào cảnh khó khăn. Trong khi đó, nếu ngân sách để lại cho thành phố năm 2003 là 33% thì đến nay chỉ còn 18%, do đó thành phố cần một cơ chế mở để đáp ứng thực tế.
“Thành phố không xin tiền mà chủ yếu xin cơ chế để có thể tự chủ làm thế nào đóng góp nhiều hơn cho cả nước, kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp, người dân vào sự phát triển chung của thành phố”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Hiện thành phố đã kiến nghị 4 nội dung của cơ chế đặc thù gồm:
Thứ nhất, phân cấp uỷ quyền cho HĐND, UBND và chủ tịch UBND TP một số quyền cụ thể để quyết định nhanh và hợp lý cho phép thành phố được phép phân cấp uỷ quyền cho các giám đốc sở ngành quận huyện nhiều hơn để giải quyết công việc nhanh hơn.
Thứ hai, thành phố xin tự chủ về tài chính.
Thứ ba, thành phố xin tự chủ về tổ chức và biên chế, để có quyền thay đổi công chức trong bộ máy và phân bổ công chức cho cấp dưới.
Thứ tư, thành phố xin thành lập ban chỉ đạo phát triển vùng do Thủ tướng làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND TP làm Chủ tịch hội đồng vùng.