Dự án sân golf Phan Thiết được cấp phép đầu tư từ năm 1993 và trải qua 4 lần đổi chủ. Chủ đầu tư gần nhất của dự án đã xin phép xin chuyển đất sân golf thành đất khu đô thị sau 2 tuần nhận chuyện nhượng với lý do kinh doanh sân golf luôn thua lỗ, không bù nổi chi phí.
Quá trình biến đổi từ đất sân golf thành khu đô thị
Theo báo Đầu Tư, dự án sân golf Phan Thiết có diện tích hơn 62 ha do tỷ phú Mỹ Larry Hillblom đầu tư xây dựng, được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp phép ngày 27/7/1993; được Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất và cho thuê tại Quyết định số 475 ngày 25/9/1993. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 1997.
Sân golf Phan Thiết là đất công được Nhà nước cho chủ đầu tư nước ngoài thuê đất trả tiền thuê đất và các khoản thuế phát sinh hàng năm (100% vốn đầu tư nước ngoài), cứ 5 năm điều chỉnh tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.
Một góc sân golf Phan Thiết
Theo quy hoạch sử dụng đất tới năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Bình Thuận được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 4/5/2013 và được UBND tỉnh này cụ thể hóa bằng Quyết định số 3200/QĐ-UBND ngày 13/12/2013, thì “đất sân golf Phan Thiết là đất thể dục, thể thao”.
Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, sân golf Phan Thiết vẫn nằm trong Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Quyết định này ghi rõ: “Đối với dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã triển khai xây dựng; dự án đã hoàn thành đang hoạt động trước ngày quy định này có hiệu lực, thì tiếp tục hoạt động…”.
Ngoài ra, tại Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 (ban hành kèm theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) vẫn giữ sân golf Phan Thiết trong danh mục dự kiến phát triển đến năm 2020.
Tới ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn tại Dự án và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Rạng Đông, giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ mục tiêu “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và công trình phục vụ kèm theo”.
Chỉ khoảng 2 tuần sau khi nhận chuyển nhượng, ngày 2/12/2013, Công ty cổ phần Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”.
Tới ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mới có Thông báo 75 thống nhất đề nghị trên, nhưng trước đó 2 ngày, tức ngày 3/3/2014, Công ty cổ phần Rạng Đông đã ra thông báo chấm dứt hoạt động của sân golf.
Mãi tới ngày 7/5/2014, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có Thông báo số 394/TB-TU đồng ý giao UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf, chuyển sang đất ở đô thị.
Đến ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ mới có Văn bản số 2117/TTg-KNT đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Sân golf Phan Thiết sau khi được chuyển đổi thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết
Vì sao đất sân golf chuyển đổi thành khu đô thị?
Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính Phủ đã yêu cầu TTCP thanh tra làm rõ một số nội dung tại dự án Khu đô thị du lịch Phan Thiết. TTCP đã tiến hành thanh tra và báo cáo Chính phủ kết quả thanh tra vào tháng 6/2019, và đã có văn bản trả lời đơn thư của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.
Tiền Phong trích dẫn kết luận thanh tra, chỉ ra lý do Công ty CP Rạng Đông xin chuyển nhượng đất sân golf sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng…, vì cho rằng kinh doanh sân golf không hiệu quả, luôn bị thua lỗ, không bù đắp nổi chi phí.
Trong bản kết luận này, TTCP cho rằng Việc địa phương cho phép chuyển đổi sân golf thành khu đô thị, TTCP kết luận phù hợp với quy định.
Tuy nhiên, do không đồng tình với nội dung kết luận của TTCP, ông Đinh Trung tiếp tục gửi đơn tố cáo lên Lãnh đạo các cấp. Đơn thư được chuyển tới Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng yêu cầu TTCP kiểm tra, rà soát lại việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển để làm rõ các nội dung trong đơn kiến nghị của ông Đinh Quang Trung.
Một trong những nội dung Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ là xác định giá đất khi chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị có phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và bảo đảm không gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo báo Tuổi trẻ thủ đô, ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3317/QĐ – UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích 363.523 m2 (gồm đất ở kết hợp thương mại, dịch vụ) chiếm 58,57%; diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132 m2 (gồm các công trình công cộng, nhà trẻ…) chiếm 41,43% tổng diện tích khu đất dự án. Tổng số tiền sử dụng đất mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp là 936.800 triệu đồng, tính chi tiết ra, giá đất bình quân chỉ là 2,5 triệu đồng/m2.
Giải thích về vấn đề này, lãnh đạo Công ty CP Rạng Đông cho rằng, căn cứ vào Quyết định phê duyệt giá đất số 3317/QĐ-UBND của UBND tỉnh có quy định: “Sau khi nghiệm thu quyết toán công trình nếu chi phí đầu tư thấp hơn 1.693.637.072.532 đồng, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước phần chênh lệch. Nếu phát sinh tăng trong chi phí dự phòng nhà đầu tư tự chịu”.
Đáng chú ý, giá đất thực tế tại thời điểm đó ở TP.Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án khu đô thị du lịch biển có giá 10 – 24 triệu đồng/m2. Theo ông Đinh Trung, sau khi xây dựng hạ tầng, chủ đầu tư là Công ty CP Rạng Đông phân lô bán nền với giá 20 – 30 triệu đồng/m2 và tại thời điểm năm 2019, đất nền tại dự án khu đô thị biển Phan Thiết có giá 40 triệu đồng/m2.