Hãng bán lẻ Parkson lần đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2005, với trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, hướng tới các khách hàng có thu nhập cao. Tuy nhiên những năm gần đây, sự xuất hiện của các hãng bán lẻ mới tại Việt Nam như AEON, Lotte và các đối thủ cũ như Vincom đem lại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn hơn, khiến thị phần của Parkson dần bị thu hẹp. Theo đó, những trung tâm thương mại mới này thường hoạt động theo mô hình “một điểm đến – nhiều lựa chọn” (One-stop-shopping) tích hợp nhiều dịch vụ như ăn uống, xem phim, các khu vui chơi điện tử,…
Tại quận 11, Parkson Flemington gặp phải đối thủ lớn là Lotte Mart nằm trên cùng đường Lê Đại Hành. Lotte Mart này điểm đến đầu tiên của Lotte khi vào Việt Nam năm 2008. Với mô hình kinh doanh One-stop-shopping, Lotte còn mở thêm nhiều chương trình cho mọi lứa tuổi như đêm nhạc Acoustic, lớp vẽ dành cho người chưa từng cầm cọ, trổ tài nấu ăn,…. đem đến cho người tiêu dùng không gian mua sắm thoải mái với nhiều tiện ích nhất. Đa dạng hóa dịch vụ và mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng là ưu điểm lớn trong mô hình kinh doanh của Lotte so với Parkson chỉ tập trung vào các khách hàng cao cấp.
Ngoài ra, “ông lớn” bán lẻ này còn có ưu thế khi có hệ thống thương mại toàn cầu, thay vì chỉ gói gọn trong một số nước châu Á như Parkson. Có hơn 24 doanh nghiệp Việt Nam sử dụng hệ thống siêu thị toàn cầu của Lotte Mart để xuất khẩu hàng hóa ra thế giới với 101 ngành hàng.
Parkson đã giữ nguyên mô hình kinh doanh này suốt thời gian vào Việt Nam, việc thua lỗ kéo dài và tụt hậu so với các đối thủ khác là minh chứng cho mức độ không phù hợp của mô hình mà hãng bán lẻ đến từ Malaysia này áp dụng.
Chiến lược kinh doanh có vấn đề!
Với phân khúc tiềm năng là khách hàng thu nhập cao, không quá khó hiểu khi Parkson có lợi nhuận rất khả quan giai đoạn 2005-2010 khi kinh doanh ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh – khu dân cư có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Vẫn giữ chiến lược này trong giai đoạn sau đó, Parkson đã mở rộng thị trường ra ngoài trung tâm với Parkson Flemington ở quận 11 và Parkson Paragon ở quận 7.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng thế giới, người dân có xu hướng giảm dần chi tiêu mặt hàng xa xỉ đã khiến doanh thu của hãng bán lẻ này chững lại và thậm chí bị thua lỗ. Lý do là bên cạnh phải trang trải chi phí để duy trì các trung tâm cũ, Parkson phải lo chi phí để mở rộng trung tâm mới.
Khi được phỏng vấn, CEO của Parkson Việt Nam lúc đó – ông Tham Tuck Choy cho rằng: “Dù thị trường tăng trưởng chậm lại trong năm 2013 do kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mở thêm khu mua sắm vì tin tưởng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai và vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư”. Ông này cũng nói thêm rằng đầu tư vào khu vực nội đô Sài Gòn và nhiều quận khác là lời cam kết đầu tư lâu dài của Parkson; mỗi năm Parkson sẽ mở trung bình 2-3 trung tâm thương mại nữa.
Parkson thua lỗ trong giai đoạn sau 2011-2015
Thực tế đã chứng minh việc mở rộng thị trường của Parkson đã không mang lại kết quả như mong đợi, dù tăng trưởng kinh tế đã hồi phục những năm gần đây.
Parkson đã phải chịu mức lỗ lũy kế kéo dài trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế cùng với việc mở rộng địa bàn hoạt động để tìm kiếm thêm các đối tượng cao cấp mới, xong mức tiêu thụ hàng hóa xa xỉ ở Việt Nam còn thấp phần nào khiến Parkson phải đóng cửa thêm trung tâm thương mại tại quận 11TP.HCM, nhằm tiết kiệm chi phí khi doanh thu không đủ bù đắp mức lỗ lũy kế quá lớn.