Theo hãng tin CNBC, có một xu hướng đặc biệt đáng chú ý: đầu tư của Trung Quốc vào ngành nông nghiệp Australia đã tăng từ mức 300 triệu USD lên mức hơn 1 tỷ USD trong vòng một năm qua.
Một phần nguyên nhân dẫn tới xu hướng này là nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến Australia như một mảnh đất màu mỡ để sản xuất những nông sản mà họ có thể mang về bán trong nước. Tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của Trung Quốc hiện có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm sản xuất tại Australia như hoa quả, thịt, sữa, khoáng chất…
Trên thực tế, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tin tưởng hàng hóa “Made in Australia” (sản xuất tại Australia). Sau vụ bê bối sữa bột trẻ em bị nhiễm độc ở Trung Quốc cách đây mấy năm, sữa công thức sản xuất tại Australia đã tăng mạnh thị phần tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Mấy năm trước, Mỹ và Anh vẫn là hai thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Australia. Giờ đây, vị trí này đã thuộc về Trung Quốc. Năm 2016, xuất khẩu rượu vang của Australia sang Trung Quốc tăng 40%.
Về thị trường địa ốc, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá nhà ở Sydney đã tăng 98% còn giá nhà ở Melbourne tăng 84% – theo dữ liệu của CoreLogic. Diễn ra song song với đà tăng giá nhà chóng mặt này là hoạt động gia tăng của các nhà đầu tư Trung Quốc trên thị trường bất động sản Australia.
Tại bang New South Wales, nơi có thành phố Sydney, khách mua nhà là người nước ngoài, trong đó 87% là người Trung Quốc, thâu tóm 1/4 lượng cung nhà mới – một báo cáo mới đây của Credit Suisse cho hay.
Có một thực tế là cả Chính phủ Australia lẫn Chính phủ Trung Quốc đều lo ngại về việc vốn từ Trung Quốc đổ mạnh vào tài sản Australia. Trong khi Australia lo ngại sở hữu nhà ngày càng trở thành việc khó đối với nhiều người dân nước này, cũng như vấn đề an ninh quốc gia, Trung Quốc lo dòng vốn chảy mạnh ra nước ngoài gây bất ổn kinh tế. Bởi vậy, cả hai nước đều đang tìm cách hạn chế những dòng vốn này.
Trong đó, Australia đã tung các biện pháp nhằm hạn chế người nước ngoài mua nhà. Chẳng hạn, bang New South Wales tăng gấp đôi thuế đánh vào người nước ngoài mua nhà, lên mức 8% giá mua căn nhà. Ngoài ra, Chính phủ Australia cũng đã chặn một loạt thương vụ lớn mà khách mua là nhà đầu tư Trung Quốc, như một vụ bán mạng lưới điện và một vụ bán khu chăn thả gia súc lớn nhất nước này.
Về phần mình, Trung Quốc gần đây đã siết chặt quản lý dòng vốn chảy khỏi đại lục.
“Các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc đã phát huy tác dụng”, bà Jane Lu, Giám đốc thị trường Australia của công ty môi giới địa ốc Juwai.com, nhận định. “Hãy nhìn vào dự trữ ngoại hối gia tăng của Trung Quốc, nhìn vào đồng Nhân dân tệ mạnh, nhìn vòng dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc chậm lại sẽ thấy điều đó”.
Năm nay, giá trung bình một căn nhà mà khách Trung Quốc mua ở Australia là khoảng 350.000 USD, giảm khoảng 40.000 USD so với năm ngoái, bà Lu cho hay.
Tuy nhiên, theo Credit Suisse, nhu cầu mua nhà ở Australia của người Trung Quốc vẫn ở mức cao và sẽ không sớm giảm xuống. Một lý do nằm ở tốc độ gia tăng nhanh chóng số người giàu ở Trung Quốc.
Vào năm 2011, tổng giá trị tài sản của các triệu phú Trung Quốc gần tương đương tổng giá trị các căn nhà ở Australia. Hiện nay, tổng tài sản của giới triệu phú Trung Quốc, gồm 1,6 triệu người, đã lớn gấp đôi tổng giá trị các căn nhà ở xứ chuột túi. Credit Suisse dự báo rằng tổng tài sản của giới giàu ở Trung Quốc thậm chí sẽ còn tiếp tục tăng với tốc độ mạnh hơn.
Ngoài ra, việc sở hữu một căn nhà ở Australia cũng dễ dàng hơn đối với nhiều người Trung Quốc so với việc mua nhà ở nhiều thành phố lớn trong nước. Giá trung bình của một căn hộ ở Bắc Kinh lên tới 800.000 USD, trong khi giá trung bình một căn nhà ở Australia chỉ là 620.000 USD.