Vì sao một số loại trái cây Nhật Bản có mức giá siêu đắt?

Nho Ruby Roman: 1,1 triệu yên (13.000 USD/kg)

Ruby Roman được trồng ở Ishikawa đã trên 14 năm, đặc điểm của giống nho này là trái rất lớn với lượng đường rất cao (18%) và chỉ hái đưa ra thị trường khi mỗi trái nho có trọng lượng tối thiểu 20gr. Chùm nho Ruby Roman đắt nhất từng thấy được bán vào năm 2016 tại phiên đấu giá đầu tiên trong năm của chợ bán sỉ thành phố Kanazawa (thuộc tỉnh Ishikawa trên đảo Honshu) với giá gần 13.000 USD cho một chùm 30 quả (khoảng 430 USD/quả nho). Ông Takamaru Konishi – một chủ siêu thị tại tỉnh Hyogo là người đã mua chùm nho để mời khách hàng của mình đến nếm thử miễn phí.

Dưa lưới Yubari: 3 triệu yên (36.000 USD/quả)

Phiên đấu giá đầu tiên của mùa thu hoạch năm 2016 ở Sapporo là cho một cặp dưa hấu Yubari trên đảo Hokkaido. Họ thu được một mức giá kỷ lục, vượt qua mức giá 2,5 triệu yên từ năm 2008 và 2014. Đây cũng là giá cao nhất đối với tất cả các loại hoa quả trên thế giới chứ không riêng gì ở xứ Phù Tang. Ông Takamaru Konishi cũng chính là người đã mua 2 quả dưa này, với mong muốn cảm ơn những người nông dân Yubari đã giúp đỡ họ nhiều năm.

Dưa hấu Densuke: 650.000 yên (7.900 USD/quả)

Dưa hấu Densuke vỏ đen được đánh giá cao vì vị ngọt tươi mát và kết cấu ruột đặc thịt của mình. Quả dưa Densuke đắt nhất từng được bán vào năm 2008, nặng tận 7.7 kg và có giá 7.900 UDSD. Một đại lý sản phẩm hàng hải giấu tên đã mua trái dưa này với mong muốn hỗ trợ nông nghiệp địa phương phát triển hơn.

Đối với người Nhật, hoa quả thì phải đắt, đó là điều hiển nhiên. Họ coi hoa quả như những viên ngọc quý của nông nghiệp, trân trọng chúng như tôn trọng công sức của những người nông dân. Hoa quả, trái cây còn mang một ý nghĩa tinh thần quý giá, như biểu tượng của sự tôn trọng và lòng tôn kính của người dân đối với các bậc thần linh, của con cái dành cho những đấng sinh thành và của cấp dưới dành cho ông chủ của họ chẳng hạn.

Amanda Tan, đồng sáng lập của Zairyo Singapore, một cửa hàng tạp hoá trực tuyến và là nhà nhập khẩu các sản phẩm của Nhật Bản cho biết: “Ở Nhật, thái độ đối với trái cây khác với rau củ. Rau củ là thực phẩm được tiêu thụ mỗi ngày và là một điều cần thiết, trong khi đó hoa quả thì không như vậy. Vì vậy, khi họ muốn chi tiêu cho một thứ không thường xuyên cần thiết thì họ tỉ mỉ và yêu cầu độ hoàn hảo rất cao”.

Để đạt được sự hoàn hảo đó, người nông dân Okuda Nichio đã phải trải qua 15 năm nghiên cứu và phát triển loại dâu tây Bijin-hime (nghĩa là “nàng công chúa xinh đẹp”) có hình như chiếc bánh và to bằng quả tenis. Hay như quả cherry Sato Nishiki có bề ngoài hoàn hảo không khác gì một món đồ trang trí giáng sinh. Những trái nho Ruby Roman cũng phải đạt tiêu chuẩn 30g/quả thì mới được “xuất xưởng”.

Nỗi ám ảnh đối với các loại trái cây cực kỳ đắt tiền của người Nhật bắt nguồn từ Sembikiya, chuỗi cửa hàng bán trái cây lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật, ra đời vào năm 1834. Vợ của 1 samurai, chủ cửa hàng hoa quả của gia đình đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh, tập trung vào những loại trái cây tốt nhất để người mua gây ấn tượng với lãnh đạo của họ. Dần dần, hoa quả trở thành một món quà cực kỳ được ưa chuộng.

Tuy nhiên, không có một cái giá nào cố định cho những loại hoa quả này, vì chúng vẫn phụ thuộc vào mùa màng. Bởi thế, Amanda Tan khuyên bạn nên mua hoa quả trong mùa và nếu có thể thì đến tận địa phương chuyên trồng các loại đặc sản để có thể mua được với giá cả hợp lý nhất.

Một số gợi ý cho bạn nếu muốn mua một món hoa quả của Nhật về làm quà:

Sato Nishiki Cherries

Đừng nghĩ chỉ người Mỹ thích anh đào, ở Nhật chúng cũng chẳng kém cạnh. Trong số những loại cherry tại Nhật thì Sato Nishiki với màu đỏ sáng, phần thịt màu kem sáng và vị ngọt như mía lùi là phổ biến nhất. Eisuke Sato là tên “tác giả” của loại cherry này. Cây thường được trồng trong đường hầm nhựa cao để bảo vệ chúng khỏi mưa (làm cho vỏ cherry bị nứt). Các cây được thụ phấn và cắt tỉa bằng tay, chỉ có hai chồi hoa và một chồi rau được cho phép trên mỗi cụm. Khi trái cây bắt đầu chín, nông dân sẽ lấy những lá xung quanh để cho phép tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời càng tốt.

Taiyo no Tamago

Với màu đỏ cam nhẵn mịn và dáng hình bầu dục, loại xoài này rất hợp với cái tên Taiyo no Tamago, có nghĩa là “trứng của mặt trời”. Xoài là trái cây nhiệt đới, vì vậy người nông dân ở quận Miyazaki có cơ hội phát triển tốt nhất ở Nhật nhờ ánh sáng mặt trời mạnh mẽ và độ ẩm cao.

Người Nhật bắt đầu trồng xoài từ năm 1986 nhưng phải đến chục năm sau, người ta mới tạo ra được những trái xoài chín nhưng vỏ không bị sần sùi. Chìa khóa chính là để cho trái xoài rơi tự nhiên khi chúng chín, một chiếc lưới sẽ được đặt phía dưới để đỡ trái xoài. Chỉ có những trái xoài có trọng lượng tối thiểu 350g và với mức đường tối thiểu là 15% mới được dán nhãn Taiyo no Tamago.

Dưa hấu có hình khối độc đáo

Dưa hấu hình vuông đầu tiên được sản xuất bởi nhà thiết kế đồ hoạ Tomoyuki Ono năm 1978; vì ông muốn có trái dưa có thể để vừa vặn và ngay ngắn trong tủ lạnh. Sau đó, nông dân bắt đầu học hỏi bí quyết và trồng dưa hình vuông số lượng lớn để dễ dàng xếp chồng lên nhau khi vận chuyển. Cửa hàng hoa quả cao cấp Shibuya Nishimura ở Tokyo bán dưa hấu hình khối của mình với giá 12.960 yên (158 USD/quả). Vì dưa hấu đơn giản chỉ cần cho lớn tự nhiên theo khuôn có sẵn nên rất nhiều biến thể đã xuất hiện, bao gồm dưa leo hình kim tự tháp và keo. Nông dân Hiroichi Kimura từ tỉnh Kumamoto đã trải qua ba năm để cho ra trái dưa hình trái tim của mình, đảm bảo không chỉ đẹp mắt mà còn ngon miệng.

Nghiên cứu mới khẳng định thực phẩm chức năng bổ sung canxi và vitamin D không giúp bảo vệ xương

Bài viết mới