Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Luật quy hoạch được Quốc hội thống nhất hoãn thông qua. Theo chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra lý do vì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật. Những ý kiến này nhấn mạnh đến việc dự thảo Luật được thông qua sẽ liên quan đến quy định lớn mà theo ước lượng của ông Phúc có ít nhất 45 Luật. Kỳ họp hồi tháng 6 Quốc hội thống nhất dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.
Chia sẻ với báo chí, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ đã làm đầy đủ hết trách nhiệm, dự thảo cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, mong sớm được ra đời. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều đại biểu băn khoăn và bày tỏ mong muốn Luật có tính khả thi cao hơn. Đại diện Bộ cho biết dự thảo có 2 tiêu chí phải đảm bảo gồm chất lượng hiệu quả và tính khả thi. Về tính hiệu quả của dự thảo Luật đã nhận được sự đồng thuận cao qua các phiên thảo luận. Nhưng tính khả thi vẫn đang được nhiều đại biểu đặt câu hỏi. Cụ thể khoản 3 điều 27, khoản 3 điều 28 liên quan đến chỉnh sửa các luật và pháp lệnh có liên quan và bị tác động khi dự án Luật Quy hoạch được ban hành.
“Kỳ họp sau của Quốc hội là vào tháng 10, cũng là dịp để các cơ quan ngồi lại với nhau, xem điều khoản nào phải sửa chứ không phải dừng lại ở danh mục thống kê và nhận diện nội dung cần chỉnh sửa”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ trong buổi trao đổi với báo chí.
Trong kỳ họp thứ 4 tới đây, dự án Luật Quy hoạch sẽ được trình Quốc hội xem xét và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Theo đó, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch sẽ có khoảng thời gian 2 năm để xử lý các vấn đề như:
Tổ chức lập các quy hoạch mới cho thời kỳ phát triển 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch; xử lý việc chuyển tiếp các quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc các trường hợp đang thực hiện theo quy định của các luật hiện hành trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang gây cản trở, trì hoãn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp; rà soát, sửa đổi một số luật hiện hành có quy định về quy hoạch trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, bảo đảm các luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Quy hoạch từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Chính phủ đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch và đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết này (Chính phủ trình kèm theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch) để xử lý các vấn đề nêu trên, đồng thời để đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong thời gian Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Chính phủ cũng đánh giá việc triển khai Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua sẽ có khối lượng công việc rất lớn, nhưng sẽ tạo ra các bước thay đổi quan trọng trong hoạch định không gian phát triển cho đất nước, tạo ra các dư địa, các động lực phát triển mới; loại bỏ những cản trở phát triển và sự mâu thuẫn, không đồng bộ của hệ thống quy hoạch hiện hành. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch cũng như bảo đảm việc triển khai đồng bộ, hiệu quả dự án Luật quan trọng này.