Vì sao Huyền Như nhúng chàm?

Theo dự kiến từ ngày 2 đến ngày 5-1-2018, TAND TP HCM sẽ xét xử sơ thẩm đối với Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, viết tắt là VietinBank TP HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank TP HCM) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng

Thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt (Phó chánh Tòa Hình sự TP HCM) tham gia phiên tòa với tư cách chủ tọa. Phiên tòa xét xử Huyền Như giai đoạn 2 có 5 công ty tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự, gồm: Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS), Công ty CP Đầu tư Hưng Yên, Công ty CP Chứng khoán Phương Đông, Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Lộc.

Trong vụ án này, VietinBank tham gia với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, 16 người khác cũng được triệu tập đến tòa để làm rõ những tình tiết quan trọng của vụ án. Tổng cộng có 14 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trong phiên tòa giai đoạn 1

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như trong phiên tòa giai đoạn 1

Từ năm 2007, Như vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và vay của nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản ở nhiều địa phương. Đến năm 2010, do kinh doanh lỗ và phải trả lãi cao, Như mất khả năng thanh toán. Sau khi được bổ nhiệm là quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Chi nhánh TP HCM, Như lấy danh nghĩa huy động tiền gửi VietinBank đã trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện 5 công ty nêu trên về việc nhận tiền gửi lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần quy định.

Bên cạnh đó, Như cũng hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới, dẫn dụ các đơn vị gửi tiền vào VietinBank. Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại VietinBank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống để trực tiếp thao tác chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng đi trả nợ các cá nhân cho Như. Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5 đến tháng 9-2011, Như đã chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng của 5 công ty.

Võ Anh Tuấn đã cùng Như ra Hà Nội gặp đại diện Công ty CP Đầu tư Hưng Yên để giúp Như huy động tiền của công ty này. Mặc dù biết Như có hành vi gian dối lấy tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ VietinBank Chi nhánh Nhà Bè do Tuấn làm phó giám đốc, đi huy động vốn của Công ty CP Đầu tư Hưng Yên nhưng vẫn để mặc Như giả hợp đồng, nhờ đó Như chiếm đoạt được 200 tỉ đồng của công ty này. Trong phi vụ này, Tuấn được Như chuyển 10 tỉ đồng sử dụng mục đích cá nhân.

Vay tiền lãi suất 144%/năm

Do cần tiền làm ăn, trong một thời gian dài, Như đã vay nặng lãi của 7 đối tượng. Theo Bộ Công an, quá trình điều tra xác định từ năm 2008 đến tháng 9-2011, Như vay của Lê Huyền Trần, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương. Tuy nhiên, CQĐT không thu thập được tài liệu, chứng cứ nào khác ngoài lời khai của Như và nhóm giúp việc cho Như; đồng thời, các đối tượng trên cũng không thừa nhận cho Như vay lãi suất cao nên không thể khởi tố. Đối với Lê Thị Ngọc Nga cho Như vay 4 tỉ đồng trong vòng 9 ngày lấy 216 triệu đồng tiền lãi có dấu hiệu tội “Cho vay lãi nặng” nhưng hết thời hiệu truy cứu nên không khởi tố.

Đặc biệt, đối tượng Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho Như vay tiền với lãi suất 144%/năm, trong vòng 3 năm, Như đã trả cho Trung hơn 660 tỉ đồng tiền lãi. Bộ Công an xác định, Trung là đối tượng cho vay lãi nặng một thời gian dài, thu lợi đặc biệt lớn. Tuy nhiên, sau khi biết CQĐT Bộ Công an vào cuộc, Trung đã đốt sổ sách ghi chép việc cho vay lãi nặng, xóa bỏ chứng cứ, xuất cảnh đi nước ngoài. Hiện Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự, quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra hành vi “Cho vay lãi nặng” của Trung, khi nào bắt được sẽ truy cứu sau.

Lừa đảo chứ không tham ô!

Trước đó, với hành vi chiếm đoạt 3.986 tỉ đồng, ngày 7-1-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân về tội “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, tòa còn yêu cầu điều tra hành vi “Tham ô tài sản” đối với số tiền 1.085 tỉ đồng chiếm đoạt của 5 công ty.

Tuy nhiên, quá trình điều tra lại xác định 5 công ty có lỗi: thực hiện thỏa thuận trái pháp luật với Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định; thực hiện giao dịch; thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của chủ tài khoản trong việc quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi trái pháp luật của Như.

Đồng thời, xem xét lỗi của VietinBank trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng, cho thấy quá trình từ khi hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, hành vi của Như là lừa đảo nên không có căn cứ xử lý tội “Tham ô tài sản” như tòa phúc thẩm nêu ra.

Trong 9 kiến nghị của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM, Bộ Công an đã khởi tố 12 bị can. Đối với một số cá nhân ở VietinBank, Công ty Phương Đông không có cơ sở xử lý. Bộ Công an cũng đã có công văn đề nghị VietinBank có hình thức xử lý hành chính đối với 3 lãnh đạo VietinBank TP HCM.

‘Qua mặt’ 10 sếp ngân hàng, Huỳnh Thị Huyền Như ẵm 200 tỷ

Bài viết mới