Vì sao HoREA đề xuất cứu xét cho chủ đầu tư dự án biệt thự “trăm tỷ” Thảo Điền Sapphire?

Dự án Thảo Điền Sapphire được giới thiệu là “siêu sang”, với 29 biệt thự trên diện tích 2,7 ha đất. Trong đó, có 11 biệt thự ven sông, 6 biệt thự có hồ bơi và 12 biệt thự vườn, mỗi căn có tổng diện tích khuôn viên từ 272m2 đến 1.018m2, garage có thể chứa 2 – 3 xe ôtô.

Về giá, với quảng cáo là một trong khu đất bờ sông cuối cùng tại khu dân cư cao cấp bậc nhất TP HCM, chủ đầu tư cho biết 3 dòng sản phẩm gồm biệt thự sân vườn, biệt thự có hồ bơi và biệt thự ven sông của dự án có giá từ 45 tỷ đồng, đến hơn 100 tỷ đồng mỗi căn.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire đã có vi phạm như tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm 1.396,64 m2 và bị Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện. Cuối tháng 5/2017, UBND TP.HCM có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 tỷ đồng đối với Công ty CP TDS, buộc tháo dỡ phần vi phạm xây dựng của dự án Thảo Điền Sapphire.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ trình bày, HoREA cũng khẳng định Công ty CP TDS đã có sai phạm trong hoạt động xây dựng, nhưng cũng có một số tình tiết đáng được quan tâm xem xét.

Dự ánThảo Điền Sapphire

Dự ánThảo Điền Sapphire

Khu đất dự án này có diện tích 27.018,4m2 theo hình thức sử dụng đất là sử dụng riêng trên toàn bộ diện tích này đến ranh mép bờ cao sông Sài Gòn. Cơ cấu sử dụng đất ở là 15.232,1 m2, chiếm tỷ lệ 56,4%; đất trong hành lang bảo vệ bờ sông, rạch là 11.786,3 m2, chiếm tỷ lệ 43,6%; đất giao thông hành lang ven rạch Ông Hóa là 540,7 m2 chiếm tỷ lệ 2%.

HoREA cho biết từ đầu năm 2016, Công ty TDS đã đề nghị xin tạm sử dụng một phần hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ tại dự án Thảo Điền Sapphire. Văn phòng UBND TP HCM đã có phiếu chuyển giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với UBND quận 2 kiểm tra, hướng dẫn, giải quyết đề nghị của Công ty TDS.

Sau đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM đã có văn bản số 2743/SQHKT-QHKTT ngày 01/07/2016 báo cáo UBND thành phố với đề xuất: “Hiện nay, Quyết định 150/2004/QĐ-UB ngày 9/6/2004 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông kênh rạch đang trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Do đó Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhận thấy việc Công ty CP TDS đề nghị sử dụng tạm một phần hành lang bảo vệ sông Sài Gòn để xây dựng công trình phụ thuộc dự án Thảo Điền Sapphire sẽ được xem xét cụ thể sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định thay thế Quyết định 150/2004/QĐ-UB ngày 9/6/2004″.

Ngày 18/4/2017, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định 22/2017/QĐ-UBND quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố.

Tại khoản 2 điều 5 đã quy định: “Đối với các tuyến sông, kênh, rạch có giải pháp xây dựng kè bảo vệ bờ, tùy theo điều kiện thực tế, có thể xem xét phương án điều chỉnh phạm vi chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ nhằm khai thác có hiệu quả quỹ đất dọc theo bờ sông, kênh, rạch.

Đối với trường hợp này, UBND quận – huyện chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch – Kiến trúc căn cứ vào các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt (quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành – lĩnh vực, ….) để nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh phạm vi chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ trình UBND thành phố xem xét, quyết định”.

Đồng thời tại khoản 3.3 điều 5 đã cho phép xây dựng tạm thời các công trình thuộc: “Nhóm công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn: thời hạn sử dụng tối đa là 3 năm. Chủ đầu tư công trình này phải tự tháo dỡ, không bồi thường khi hết thời hạn sử dụng hoặc khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình: a) Triển lãm ngoài trời, khu vui chơi giải trí ngoài trời, biển quảng cáo, chợ hoa tết; b) Các điểm cà phê, giải khát ngoài trời, các điểm kinh doanh phục vụ du lịch; c) Khu thể dục – thể thao; Đối với công trình có thời hạn sử dụng dưới 30 ngày, UBND quận – huyện xem xét, quyết định; Đối với công trình có thời hạn sử dụng từ 30 ngày trở lên, UBND quận – huyện chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch – Kiến trúc xem xét, trình UBND thành phố quyết định”.

Tại khoản 3.4 cũng đã quy định: “3.4 Các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ trên bờ, trước khi xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định”.

Phần lấn sông củadự ánThảo Điền Sapphire

Phần lấn sông củadự ánThảo Điền Sapphire

“Công ty TDS đã có sai phạm khi xây dựng các bể bơi (công trình thể dục, thể thao) của dự án trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn mà chưa có sự chấp thuận của UBND thành phố. Nhưng với chính sách quy định tại Quyết định 22 thì Hiệp hội kính đề nghị UBND thành phố xem xét lại theo hướng hỗ trợ cho Công ty”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết.

Theo HoREA, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 376/TTr-KNTC ngày 05/07/2017 gửi Sở Xây dựng TP HCM xem xét việc: “Công ty TDS đề nghị Thanh tra Bộ, UBND thành phố xử lý phần diện tích vi phạm theo hướng cho phép Công ty được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 9 điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ. Để có cơ sở xem xét kiến nghị của Công ty TDS, Thanh tra Bộ đề nghị Sở Xây dựng TP HCM báo cáo nội dung vụ việc và sao gửi hồ sơ liên quan đến việc xử lý công trình vi phạm tại dự án nêu trên để Thanh tra Bộ xem xét trả lời đơn kiến nghị của Công ty TDS theo quy định”;

HoREA cho biết theo quy định tại khoản 9, điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng có cho phép công trình vi phạm xây dựng đã chấp hành xử phạt hành chính, có thể được cho phép tồn tại, không phải tháo dỡ phần diện tích sai phạm nêu trên.

Cùng với đó là đóng phạt do các công trình này không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty, và phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép.

Hiện nay, Công ty TDS đã tháo dỡ 4 trong số 14 hồ bơi và câu lạc bộ xây dựng sai phép và đang tiếp tục tháo dỡ phần xây dựng sai phép còn lại. Tuy nhiên Công ty này tha thiết đề nghị UBND thành phố cứu xét lại 1 lần nữa.

Từ những lý do nói trên, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị UBND thành phố quan tâm xem xét lại đơn xin cứu xét của Công ty TDS theo hướng để cho phép các công trình xây dựng sai phép này được tồn tại để tăng thêm tiện ích cho khu dân cư.

Bên cạnh đó, Công ty TDS phải nộp lại số lợi có được bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, và sau này nếu thành phố triển khai các công trình phục vụ lợi ích công cộng thì Công ty TDS phải tự tháo dỡ các công trình này khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

TP.HCM ra quyết định cưỡng chế vi phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire

Bài viết mới